“Nhiễu nhương” như thực phẩm không nguồn gốc

Thứ Tư, 05/04/2017, 11:18
Vì sao thực phẩm không nguồn gốc, thực phẩm giả có cơ hội tồn tại kéo dài? Nhà quản lý rõ ràng phát hiện những “mánh” thường xuyên được áp dụng nhằm tiêu thụ hàng không nguồn gốc, hàng giả nhưng lại rất khó trị vì luật còn thiếu, qui định xử lý, xử phạt chưa phù hợp. Đó là một trong những ý kiến đưa ra rất được chú ý tại buổi tọa đàm “Xóa nạn kinh doanh gia vị thực phẩm không nguồn gốc” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tuần qua.


"Mánh" khó trị: Chia nhỏ hàng không nguồn gốc, hàng giả

Theo ông Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, năm 2016, qua tin báo của người dân, QLTT Bình Dương đã phát hiện tại một hộ thuê nhà trọ đang sản xuất bột sa tế. Tại hiện trường, trên bếp là một chiếc nồi quân dụng đang đun một chất lỏng hỗn hợp gồm thành phần là bột ớt, chất phụ gia không nguồn gốc để làm sa tế.

Tại đây, gia chủ sắm đủ dụng cụ từ cái cân đồng hồ, máy ép chân không, bao nilon, máy ép làm nhãn, dụng cụ in bao bì… đủ hết để cho ra lò 9.000 chai sa tế/ngày với đầy đủ nhãn hiệu, số đăng kí tiêu chuẩn chất lượng, địa chỉ sản xuất. Nhưng những thông tin trên sản phẩm khi đối chiếu đều là thông tin “ma”. Theo ông Danh, như vậy, việc truy xuất nguồn gốc là không thể nếu có phát hiện sản phẩm khi đang lưu thông.

Theo ông Danh, có hai hình thức mà các đối tượng thường xuyên áp dụng trong tiêu thụ hàng không nguồn gốc. Đó là mánh chia nhỏ hàng vào bao bì không nhãn, hoặc chia nhỏ vào bao bì có nhãn hiệu chính hãng, sản phẩm đang có uy tín trên thị trường. Chiêu này vẫn được làm rất phổ biến tại các sạp tạp hóa ở chợ.

Cơ quan chức năng làm việc tại một cơ sở sản xuất thực phẩm trộn hóa chất phụ gia không nguồn gốc. Ảnh minh họa.

Tiểu thương thường mua một bao 50kg bột ngọt của Trung Quốc, rồi chia nhỏ vào từng bao ni lông loại 100gr, 200gr, 0,5kg, loại 1kg. Hoặc họ cũng tìm cách mua được bao bì của hãng bột ngọt Ajinomoto và chia nhỏ đổ loại bột ngọt Trung Quốc vào.

Nổi rộ gần đây là hình thức kinh doanh bột nêm giả, hay còn được gọi là bột nêm “bẩn”. Tiểu thương mua bao bột nêm loại 50 kg không nguồn gốc, rồi cân, chia nhỏ vào các bao nilon có nhãn hiệu Knor, Aji Ngon... Hàng Knor chính hãng có hạn sử dụng không quá 15 tháng.

Chính nhờ sự hiểu biết này của một người dân mà đã phát hiện gần 5 tấn (khoảng 5.000 gói, mỗi gói 900 gr/gói) bột nêm Knor giả được làm quà Tết cho công nhân tại một công ty thuộc Bình Dương. Khi nghe công nhân báo, QLTT Bình Dương chạy tới thì phát hiện số hàng công ty mua đã trên 5,5 tấn.

Hiện nay, với giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg hạt nêm không nguồn gốc, rẻ bằng 2/3 các loại hạt nêm có nhãn hiệu, nên nhiều chủ hàng ăn vì lợi nhuận mà sử dụng loại gia vị này trong chế biến tại các nhà hàng quán bình dân như quán phở, quán bún, quán lẩu, quán cơm… để tăng lợi nhuận.

Cũng theo ông Danh, loại thực phẩm thứ 2 cũng hay được tiêu thụ nhờ mánh chia nhỏ là dầu ăn. Cứ 1 can 50 lít dầu ăn không nguồn gốc, không nhãn hiệu, được chiết ra các chai nhỏ bán. Hoặc đối tượng đi mua chai nhựa có nhãn hiệu của công ty lớn (Tường An, Cookking oil; Cái Lân)... để sang, chiết vào. Thế nhưng, với kiểu vi phạm vài chục gói bột ngọt, vài kilôgam bột nêm bắt được tại chợ thì theo mức xử lý, xử phạt, mức cao nhất cũng là xử phạt hành chính (!) .

Làm quen với việc tẩy chay thực phẩm không an toàn

Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bột nêm không nguồn gốc, không đảm bảo yếu tố môi trường vô trùng vào bao gói như sản phẩm bột nêm của cơ sở sản xuất chính hãng; thường được lưu chứa tại những nơi ẩm thấp như chợ, góc bếp và sang chiết bằng các dụng cụ thô sơ hay dùng tay trực tiếp phân bao, gây tình trạng hút ẩm, nhiễm khuẩn và nhiễm tạp chất, từ đó sinh chất độc, trong đó nấm mốc, kim loại nặng rất nhiều. Đây là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật cho người sử dụng, dùng lâu dài.

Cũng theo ông Danh, pháp luật hiện nay còn nhiều vấn đề trong việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Phổ biến là qui định một đằng, áp dụng một nẻo. Như mặt hàng bánh ngọt, bánh mì đang bán tại siêu thị, có qui định rõ, hàng phải có bao bì, dán nhãn, được gói sẵn đúng tiêu chuẩn trong qui trình khép kín 24h. Song, thực tế lại không theo qui định.

Đó là người dân vào siêu thị mua bánh ngọt, bánh kem, bánh mì hiện được phát một cái khay, cùng một dụng cụ gắp, tự tay gắp miếng bánh vào khay, có người dùng tay không, rồi mang ra nhân viên gói lại trong một bao giấy, dán nhãn vào. Như vậy đây không thể gọi là qui trình bao gói khép kín. Hoặc, người tiêu dùng của ta chưa dám mạnh dạn, tẩy chay không ăn loại bánh mì mà được bao gói bằng giấy không chuyên dụng.

Nhưng hiện, hàng ngàn suất bánh mì sáng vẫn đang được gói trong bao bì mà đa số được tận dụng từ: giấy báo, giấy pho to cũ, tập vở học sinh... Sự cố ngộ độc thực phẩm có thể từ chính bao gói không đảm bảo này. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu hẳn một qui trình minh bạch thông tin cho người dân khi xảy ra sự cố thực phẩm. “Chính vì sự thiếu kiến thức pháp luật, thiếu thông tin chính thống về sản phẩm, dịch vụ, nhà sản xuất thì chậm đổi mới, không áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất, là nguyên nhân chính của  nạn thực phẩm không nguồn gốc còn đất phát triển”, ông Danh nói.

Huyền Nga
.
.
.