Nhiều ngân hàng Bạc Liêu "ôm" nợ khó đòi

Thứ Tư, 22/08/2007, 08:52
Theo ông Trần Trọng Dưỡng - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Bạc Liêu, sau cơn bão số 5, Ngân hàng đã đầu tư vốn để nâng cấp, đóng mới nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ lên đến 84 tỷ đồng, nhưng đến nay ngân hàng mới chỉ thu được gần 8 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Trước tình hình nợ xấu tăng cao, một số ngân hàng ở Bạc Liêu đã hạn chế đầu tư vốn, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Nợ xấu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sản xuất trong dân, đặc biệt là ảnh hưởng chung đến tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Điều đáng quan tâm là những khoản nợ này cũng khó có khả năng thu hồi.

Trên 100 tỉ đồng thu hồi nhỏ giọt

Chương trình 985 là khôi phục đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh sau cơn bão số 5 (bão Linda năm 1997). Nhằm khắc phục thiệt hại, tạo điều kiện cho các ngư dân hoạt động khai thác hải sản, ổn định cuộc sống sau cơn bão số 5, Chính phủ đã triển khai đầu tư vốn khôi phục đội tàu đánh bắt xa bờ ở các tỉnh ven biển phía Nam, trong đó có Bạc Liêu.

Sau đó, Bạc Liêu đã điều tra, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cho một số ngân hàng trong tỉnh đầu tư trên 100 tỷ đồng để sửa chữa, đóng mới hàng trăm phương tiện khai thác xa bờ. Trong đó, Ngân hàng NN&PTNT là đơn vị có vốn đầu tư nhiều nhất: 84 tỷ đồng.

Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, việc thu hồi vốn từ chương trình 985 dường như bế tắc, dù các ngân hàng đã áp dụng nhiều phương pháp để thu hồi nợ.

Theo ông Trần Trọng Dưỡng -  Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Bạc Liêu, sau cơn bão số 5, Ngân hàng NN&PTNT đã đầu tư vốn để nâng cấp, đóng mới 294 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng số tiền lên đến 84 tỷ đồng, nhưng đến nay ngân hàng mới chỉ thu hồi vốn gần 8 tỷ đồng (cả gốc và lãi), còn lại hàng chục tỷ đồng chỉ thu… vét.

Ngân hàng đã dùng mọi biện pháp để thu hồi nợ, kể cả biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa nhưng kết quả cũng không có chuyển biến tích cực. 

Đối với những trường hợp phương tiện còn hoạt động khai thác thì cho cam kết trả dần, nhưng theo ngân hàng thì khách hàng chỉ có cam kết còn trả nợ thì không. Những hộ vay vốn chuyển nhượng phương tiện khai thác để trả vốn vay nhưng khổ một điều là các phương tiện sau 10 năm ra khơi dầm mưa phơi nắng nên máy móc, phương tiện đã xuống cấp trầm trọng.

Mỗi phương tiện trước đây trị giá trên dưới nửa tỷ đồng, nhưng sau chuyển nhượng, ngân hàng chỉ thu được từ 15 - 20 triệu đồng/phương tiện (trong tổng số 24 phương tiện trị giá trên 10 tỷ đồng, sau chuyển nhượng Ngân hàng NN&PTNT chỉ thu được 1,7 tỷ đồng).

Biện pháp thu hồi nợ cuối cùng là khởi kiện ra tòa những trường hợp vay vốn có khả năng trả nhưng lại chây ì không trả nợ mà mua sắm xe máy, xây nhà… Tuy nhiên, khi ra tòa khách hàng cũng hứa, còn những phương tiện phát mãi bán đấu giá thì ngân hàng thu lại cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Doanh nghiệp phá sản kéo theo 45 tỉ đồng nợ xấu

Sau những năm Bạc Liêu chia tách tỉnh, Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng (Giá Rai) được coi là một doanh nghiệp ăn nên làm ra, được tỉnh ưu ái tạo mọi điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư vốn.

Thế nhưng, do có nhiều nguyên nhân tác động làm cho việc sản xuất, kinh doanh liên tục thua lỗ, dẫn đến phá sản và còn nợ các ngân hàng với số tiền gốc (chưa kể lãi suất) lên đến 45,846 tỷ đồng.

Trong đó, nợ Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bạc Liêu 18,882 tỷ đồng; nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 6,751 tỷ đồng; Ngân hàng Ngoại thương 600.000 USD và nợ Chi nhánh Ngân hàng Đông Á 10,8 tỷ đồng.

Sau gần chục năm trời phá sản, hiện nay, công ty này được xử lý phát mãi tài sản, nhưng theo lãnh đạo một số ngân hàng thì khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư, vì số tiền phát mãi tài sản của Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng chẳng là bao!

Đó chỉ là một vài điển hình về các khoản nợ xấu rất lớn mà nhiều ngân hàng ở Bạc Liêu bị vướng và không có khả năng thu hồi làm ảnh hưởng chung đến tình hình tăng trưởng tín dụng của tỉnh và nhu cầu vốn vay trong dân

Hồng Vân
.
.
.