Nhiều kẽ hở trong kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thứ Hai, 28/04/2014, 10:53
Theo đại diện một DN đầu mối xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh, quy định tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân. Nhưng trên thực tế, một chủ DN có thể lập ra vài công ty để ký hợp đồng với các đầu mối khác nhau để nhập xăng dầu. Khi xăng dầu đã nằm bồn chứa của cây xăng, sẽ không thể phân định được xăng dầu của đầu mối nào để quy trách nhiệm nếu phát hiện xăng dầu bị pha thêm phụ gia.
>> Hệ thống bán lẻ xăng dầu - nỗi lo rơi vào tay nước ngoài

Sau khi nguyên nhân chính gây cháy xe xảy ra liên tiếp tại TP Hồ Chí Minh được Sở Khoa học - Công nghệ thành phố xác định do xăng bị pha thêm Ethanol và Methanol; chất lượng xăng dầu bán lẻ tại thành phố đã được tăng cường kiểm soát. Đồng thời mức phạt với hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu cũng đã tăng cao kèm theo các chế tài khác. Việc này đã kéo giảm hành vi gian lận trong kinh doanh mặt hàng này tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng xoay quanh hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện vẫn còn nhiều kẽ hở dễ bị đối tượng xấu lợi dụng để rút ruột xăng dầu; gây nguy hiểm cho xã hội.

Quản lý kinh doanh xăng dầu đang bị mất kiểm soát từ khâu vận chuyển đến khi đưa ra bán lẻ.

Về hoạt động vận chuyển, chưa kể hàng ngàn chuyến xe bồn chở xăng dầu từ các kho cảng đầu mối là Nhà Bè, Cát Lái về các tỉnh, thành khác. Với trên 500 cây xăng, mỗi ngày tại TP Hồ Chí Minh có vài trăm chuyến xe bồn chở xăng dầu phục vụ bán lẻ cộng với trên dưới 200 chuyến xe bồn chở xăng dầu từ các kho cảng trên vào phục vụ hoạt động hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có các đầu xe vận chuyển dầu máy bay Jet A 1 của Công ty Xăng dầu Vinapco được gắn thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát lộ trình xe chạy và thời gian dừng đậu xe của tài xế. Đồng thời DN này cũng đã công khai số điện thoại nóng trên bồn xe để người dân cùng tham gia giám sát, phản ánh tình trạng rút ruột xăng dầu.

Còn lại, hàng trăm đầu xe bồn chở xăng dầu cho các đầu mối khác như Petrolimex, Petec, Saigonpetro… Vẫn hàng ngày chở cả chục ngàn lít xăng dầu các loại chạy ngênh ngang dọc các tuyến đường đông dân cư để tiếp nhiên liệu cho các cây xăng bất kể giờ giấc. Vụ cháy xe bồn chở theo 23.000 lít dầu máy bay khi vừa ra khỏi kho xăng dầu Nhà Bè; đang dừng đậu gần khu dân cư khiến nhiều người dân hoảng loạn xảy ra ngày 15/4 vừa qua chính là hậu quả của việc không kiểm soát thời gian, lộ trình và giờ giấc được chạy để tiếp liệu cho các cây xăng của xe bồn.

Nhiều đầu mối xăng dầu chưa gắn hộp đen và công bố số điện thoại nóng trên xe bồn.

Để ngăn chặn tình trạng tài xế câu kết rút ruột xăng dầu trong quá trình vận chuyển; sau đó trộn thêm phụ gia vào khiến chất lượng xăng dầu không đảm bảo, các DN đầu mối đều lấy mẫu để lưu ngay khi nạp vào xe bồn. Xe về tới cây xăng, trước lúc nạp vào bồn bể, mẫu xăng dầu trong xe tiếp tục được lưu lại để kiểm chứng.

Thậm chí trước khi xuất kho, các nắp, van của xe bồn còn được niêm chì để kiểm soát chất lượng. Nhưng theo ông N, một tài xế xe bồn, ngay cả việc này cũng khó ngăn chặn được nạn rút ruột rồi pha chế thêm phụ gia nếu tài xế câu kết với nhân viên cây xăng. Nhất là khi hành trình và thời gian chạy xe không được DN đầu mối kiểm soát. Còn nói như một đại diện Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, thì quản lý kinh doanh xăng dầu đang bị mất kiểm soát từ khâu vận chuyển đến khi đưa ra bán lẻ. Không có ai kiểm soát quá trình đó trong khi cơ quan quản lý chẳng thể nào kiểm tra hết được các xe. Nên cần phải ràng buộc thêm trách nhiệm của các đầu mối xăng dầu, tổng đại lý với các doanh nghiệp bán lẻ.

Theo đại diện một DN đầu mối xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh, quy định tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân. Nhưng trên thực tế, một chủ DN có thể lập ra vài công ty để ký hợp đồng với các đầu mối khác nhau để nhập xăng dầu. Khi xăng dầu đã nằm bồn chứa của cây xăng, sẽ không thể phân định được xăng dầu của đầu mối nào để quy trách nhiệm nếu phát hiện xăng dầu bị pha thêm phụ gia.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, từ lâu Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thí điểm việc bán xăng có xuất hóa đơn tại hơn chục cây xăng trên địa bàn. Song để dẹp hẳn nguy cơ trực tiếp gây nên tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu tại thành phố vẫn là việc hết sức khó khăn. Lý do, trong khi số lượng cột bơm xăng dầu cần kiểm định hằng năm lên đến trên dưới 2.000 lượt, thì số lượng kiểm định viên của Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng chỉ có chừng 15 người. Số người chuyên phụ trách việc kiểm tra thiết bị đo lường cũng lại chỉ có vài người nhưng còn phải kiểm định với nhiều lĩnh vực khác nên việc kiểm tra chắc chắn không xuể

Đ.Thắng
.
.
.