Nhiều giải pháp linh hoạt đảm bảo cung ứng đủ tiền dịp Tết

Thứ Hai, 09/02/2015, 08:22
Cứ vào mỗi dịp áp Tết Nguyên đán, câu chuyện đổi tiền mới, tiền lẻ mừng tuổi hay đi lễ chùa luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Với nhiều người, nhất là những người nhận lương qua tài khoản, Tết đến lại thêm nỗi lo "mang tên ATM" quá tải, hết tiền. Bức xúc và mệt mỏi, lặp lại từ năm này qua năm khác.

Vậy cơ quan chức năng đã có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này trong dịp Tết Ất Mùi 2015? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú xung quanh hai đề tài nóng này.

Tăng cường tiếp quỹ các cây ATM

PV: Thưa Phó Thống đốc, vì sao câu chuyện ATM quá tải, hết tiền hay bị lỗi làm phiền khách hàng năm nào cũng tái diễn?

PTĐ Đào Minh Tú: Thực ra, mỗi máy ATM chỉ có một lượng tiền nhất định, việc tiếp quỹ cho ATM cũng không đơn giản, mà phải tuân thủ quy trình, đảm bảo các yêu cầu như cơ cấu mệnh giá, chất lượng, phải có an ninh giám sát…

Ngoài ra, ATM cũng có thể gặp nhiều vấn đề kỹ thuật như đường truyền trục trặc do đào đường, hệ thống mạng chung có lúc không thông suốt…

Nếu ATM hết tiền do chủ quan, thì cần được khắc phục, xử lý. Tuy nhiên, nếu ATM lỗi vì nguyên nhân khách quan, thì khách hàng cũng cần thông cảm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

PV: Nhưng NHNN cũng phải có hướng xử lý và khắc phục, thưa ông?

PTĐ Đào Minh Tú: Không phải chỉ đến Tết NHNN mới chỉ đạo các NH chú ý cung ứng đủ tiền mặt cho hệ thống ATM, mà từ nhiều năm nay đã tập trung chỉ đạo quyết liệt.

NHNN luôn sẵn sàng cung ứng đủ tiền mặt cho các ngân hàng thương mại (NHTM), thậm chí ưu tiên tiền mới những mệnh giá hay sử dụng cho hệ thống ATM để không bị kẹp, dính…

Dịp Tết, nhu cầu tiền mặt tăng đột biến, NHNN chỉ đạo phục vụ với tinh thần cao nhất, tránh hiện tượng máy ATM không có tiền, hoạt động không đáp ứng đủ.

Tôi khẳng định, lượng tiền mặt cho máy ATM đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là thành phố lớn, khu công nghiệp…

Vừa rồi, các NHTM đã làm việc với doanh nghiệp để bàn cách chi trả thuận tiện nhất cho người hưởng lương trong thời kỳ cao điểm, giáp Tết.

Theo đó, bên cạnh tăng cường tiếp quỹ, các NH cũng triển khai nhiều giải pháp linh hoạt khác tại các địa bàn trọng điểm, như chuyển tiền đến thẳng phòng tài vụ của doanh nghiệp, hướng dẫn công nhân đến phòng giao dịch gần nhất để rút, triển khai ATM lưu động…

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt. Ảnh: Thiện Hoàng.

PV: Thưa ông, những năm vừa rồi có tình trạng người lao động có thể đến NH rút tiền, nhưng lại trùng với thời gian công nhân đi làm. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này không?

PTĐ Đào Minh Tú: Thực ra, công nhân làm việc theo ca, kíp nên có thể dành thời gian đi rút tiền. Ngoài ra, các NHTM cũng hoạt động ngoài giờ hành chính nữa, nên vẫn có những khoảng thời gian nhất định để khách hàng rút tiền.

Còn ở những nơi tập trung nhiều công nhân, nếu phía NH phát hiện bất cập thì chắc chắn sẽ có những xử lý tình huống cụ thể. Với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của NHNN, tôi tin chắc các NHTM sẽ có trách nhiệm, nhất là với những điểm nóng.

Đổi tiền lẻ ăn chênh lệch sẽ bị xử lý nghiêm

PV: Thưa ông, một vấn đề nóng khác là năm nay, NHNN không phát hành thêm tiền lẻ mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Nhiều người băn khoăn liệu có ảnh hưởng gì đến nhu cầu trong lưu thông?

PTĐ Đào Minh Tú: Tôi xin khẳng định ngay chủ trương của NHNN là không phát hành thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, nhưng số lượng tiền lẻ đã qua sử dụng đưa vào trong lưu thông vẫn dồi dào, đáp ứng đủ cơ cấu các mệnh giá, đủ nhu cầu chi tiêu của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Dịp Tết Ất Mùi 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt; đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

Việc không phát hành thêm tiền mới mệnh giá nhỏ đã giúp tiết kiệm được một khoản tiền lớn: hơn 1.084 tỷ đồng, góp phần tăng kinh phí cho các công việc khác như xây dựng trường học.

PV: Cứ đến hẹn lại lên, các điểm đổi tiền lẻ, tiền mới lại xuất hiện, như khu vực quanh gần Hồ Gươm, hay dọc đường Hà Đông (Hà Nội)… Đặc biệt, tại các đền chùa, dịch vụ này nở rộ và rất “ăn khách”. NHNN nói sao về vấn đề này?

PTĐ Đào Minh Tú: Mấy năm nay, chủ trương của NHNN không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng tiền nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan, được cơ quan báo chí cũng như dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt. Ảnh: Thiện Hoàng.

Khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh.

NHNN mong muốn được nhân dân ủng hộ đối với chủ trương sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tiết kiệm chi phí xã hội.

Ở đây, tôi xin nói thêm một chút về văn hóa. Không hiểu mọi người nghĩ gì mà mang tiền đến nhét khắp nơi, từ tay Phật, tượng Phật, thậm chí cả miệng Phật.

Thực ra, cái này không phải là văn hóa, mà chỉ là thói quen mới xuất hiện hơn chục năm trở lại đây.

Nhiều người cứ cho rằng rải càng nhiều tiền, càng được Phật thương, ban nhiều lộc là không đúng.

Đến chùa là bằng cái tâm, nên bỏ tiền vào hòm công đức, chứ không phải mang tiền rải khắp nơi để “hối lộ” Phật.

Cách làm này vừa trái với đạo lý, tín ngưỡng, văn hóa, hơn nữa, nó còn sai mục đích sử dụng của đồng tiền, làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

NHNN cũng đã và đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ, ban, ngành có liên quan để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định.

PV: Dù NHNN nói không in tiền mới, nhưng tại các di tích, đình, chùa vẫn có hiện tượng đổi tiền lẻ, thậm chí người đổi tiền có những cọc tiền lẻ mới nguyên seri mệnh giá 2.000 đồng, 1.000 đồng và 500 đồng?

PTĐ Đào Minh Tú: Tôi khẳng định, quy định không phát hành tiền mới được thực hiện nghiêm ngặt, đối với tiền mệnh giá nhỏ mới còn tồn kho, cán bộ NH cũng không được phép chuyển ra bên ngoài.

Tuy nhiên, có thể có trường hợp người dân tích trữ từ nhiều năm trước, điều này là ngoài tầm kiểm soát.

Còn việc có bàn đổi tiền tại các di tích, đình, chùa có nơi cơ quan chức năng xử lý mạnh, có nơi còn lỏng.

Năm nay các quy định pháp lý đã hoàn chỉnh, việc đổi tiền lẻ lấy chênh lệch sẽ được xử lý nghiêm hơn, mức phạt cũng sẽ cao hơn từ 20-40 triệu đồng.

PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

Lệ Thúy
.
.
.