Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam 2015

Thứ Hai, 20/04/2015, 12:23
Ngân hàng ANZ vừa công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổ chức này tiếp tục giữ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,5% trong năm nay và năm 2016. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 đạt mức 6%, cao hơn 0,5% so với dự báo được đưa ra trong năm 2014.

Căn cứ cho việc nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam, theo ANZ, thông thường tăng trưởng kinh tế quý I thường mức thấp và thấp nhất so với các quý trong năm. Song, ngay từ quý đầu của năm nay, GDP của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 6,03% so với cùng kỳ năm trước nên báo hiệu sự khởi đầu tốt. Trong đó, các chỉ số về công nghiệp, bán lẻ và ôtô, niềm tin người tiêu dùng, đều có sự khởi động tốt. Đáng chú ý, ANZ nhìn nhận rất tích cực về sự cải thiện của tiêu dùng trong nước, theo đó, nhờ lạm phát thấp, tăng trưởng bán lẻ đã tăng 12,8% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng thực trong bán lẻ của quý I ở mức nhanh nhất trong 5 năm qua.

Cùng với đó, ANZ cho rằng việc các dự án và vốn FDI tiếp tục đổ vào, trong đó tập trung chủ yếu ở mảng sản xuất sẽ thúc đẩy nhập khẩu máy móc, đồng thời cũng thúc đẩy tăng năng suất trong trung hạn. ANZ dự báo cán cân thanh toán vẫn sẽ ở mức thặng dư nhẹ trong năm nay. Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng có những cải thiện khả quan trong quý I cũng cho thấy nhu cầu tín dụng đã tăng.

Còn tại Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được công bố trước đó, các chuyên gia kinh tế của WB dự báo trung hạn đều phản ánh sự cải thiện dần dần trong tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô trước áp lực ngày càng lớn của nợ công đang gia tăng. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm 2015 do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi.

Xuất khẩu tăng mạnh và kiều hối ổn định là những yếu tố giúp cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, mặc dù quy mô thặng dư sẽ giảm do kinh tế khởi sắc kéo theo nhập khẩu gia tăng. Thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống dưới 4% GDP vào năm 2017 cho thấy, sự cần thiết phải tiến hành củng cố tài khóa trong trung hạn và đồng thời phải có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm củng cố tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước để đảm bảo tính bền vững của nợ công. Dự kiến, tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm.

Lệ Thúy
.
.
.