Hà Nội:

Nhiều doanh nghiệp “ôm” đất nhưng không nộp thuế

Chủ Nhật, 05/12/2004, 21:03
Ông Trần Văn Thiện, Phó trưởng Phòng Tổng hợp kế toán Cục Thuế Hà Nội, nhận xét, một số doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất do kinh doanh thua lỗ; một số doanh nghiệp khác do "ôm" quá nhiều đất trong khi sản xuất kém hiệu quả hoặc làm ăn thua lỗ nên không thể trả nợ. 

Theo Nghị định 188/NĐ-CP, từ tháng 1/2005, giá thuê đất sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến từ 0,5% lên 1 hoặc 1,5% giá trị đất. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, với khung giá này, tình trạng đầu cơ đất sẽ chấm dứt. Bởi lẽ những doanh nghiệp, tổ chức không sử dụng hết diện tích đất sẽ phải chịu mức thuế sử dụng rất cao. Những doanh nghiệp nào "ôm" đất vượt quá nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình dẫn đến bỏ hoang, sai mục đích sẽ không chịu được "nhiệt" của giá thuế sử dụng đất (SDĐ) và chỉ còn cách trả lại cho Nhà nước.

Chúng tôi tìm đến Công ty dệt 8-3 là doanh nghiệp đang sở hữu một diện tích đất khá lớn: 20ha và số tiền nợ thuế SDĐ cũng khá cao: 10,6 tỷ đồng. Theo đánh giá của các nhà quản lý, đây là một trong những địa chỉ không sử dụng đất hết công suất.

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế Hà Nội, từ năm 1996 đến nay, có tới 900 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang nợ đọng thuế sử dụng đất (SDĐ), chiếm 30% tổng số doanh nghiệp. Có doanh nghiệp, 10 năm chưa nộp thuế SDĐ một lần nào. Tổng số thuế SDĐ mà các doanh nghiệp nợ từ năm này qua năm khác đã lên tới 103 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện của công ty dệt 8-3, cho biết, diện tích đất mà công ty đang sử dụng có từ năm 1950, khi còn là khu ven đô hoang hóa. Thành phố mở rộng, công ty nằm lọt trong phạm vi nội thành. Công ty cũng đã có dự án xây dựng nhưng không thể thực hiện được vì Bộ Công nghiệp yêu cầu tạm dừng để di dời. Theo đúng kế hoạch thì cuối năm 2004, công ty phải di chuyển nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì. "Hiện tại, chúng tôi đang khó khăn nên khi nào di dời sang địa điểm mới, trả đất lại cho Nhà nước, có tiền, chúng tôi sẽ nộp đủ tiền thuế SDĐ cho Nhà nước"- người đại diện của công ty nói như vậy.

Nhiều doanh nghiệp khác đang nợ thuế SDĐ đều lảng tránh tiếp xúc với chúng tôi với lý do "lãnh đạo đi vắng".

Tại Công ty xe đạp xe máy, chúng tôi tận mắt chứng kiến 1/3 trong tổng diện tích 20.000m2 đất của công ty bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích như cho thuê kinh doanh siêu thị trong khi công ty này cũng đang nợ hơn 2 tỷ tiền thuế SDĐ.

Một lãnh đạo của Công ty Kỹ thuật điện thông cho biết, với 7.000m2 đất trị giá hàng trăm tỷ đồng ở phố Bạch Mai, mỗi năm phải nộp 220 triệu đồng tiền thuế SDĐ nhưng vì khó khăn nên công ty chỉ nộp được 15-20 triệu đồng. Tổng số tiền thuế đất mà công ty còn nợ là 1,6 tỷ đồng. Cũng theo ông này thì hiện công ty đang "cố gắng tháo gỡ khó khăn" chứ chưa tính đến chuyện bán hay trả lại đất cho Nhà nước.

Theo ông Trần Văn Thiện, Phó trưởng Phòng Tổng hợp kế toán Cục Thuế Hà Nội thì việc tăng giá thuê đất chắc chắn sẽ khiến cho việc thu thuế SDĐ gặp nhiều khó khăn hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp khi nghe tin thuế đất tăng lên đều “kêu” rằng giá thành sản phẩm sẽ đội lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp… Nhưng cho đến lúc này, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là sẽ thực thi giá đất mới, không có doanh nghiệp nào chịu thừa nhận mình đang sử dụng lãng phí và có ý định trả lại đất

Yến Thúy
.
.
.