Nhiều "đại gia" nợ đọng tiền thuế

Thứ Sáu, 02/03/2012, 11:15
"Do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Sức tiêu thụ hàng hóa chậm, ngân hàng thắt chặt cho vay, nhiều DN chấp nhận phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh" – đó là nhận định của Tổng cục Thuế khi điểm danh nhiều DN "đại gia" nợ tiền thuế của Nhà nước tại Hội nghị chuyên đề về chống thất thu và nợ đọng thuế, diễn ra sáng 1/3.

50% doanh ngiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tình hình nợ thuế trong năm 2011 tăng so với năm 2010 ở tất cả các loại nợ. Về nguyên nhân nợ thuế, ngành Thuế cho biết trong những năm qua, có nhiều DN thành lập chỉ với mục đích buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sau khi mua và sử dụng một số quyển hóa đơn rồi bỏ trốn không chấp hành nộp tiền thuế đã kê khai với cơ quan thuế; một số DN đã sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp với mục đích gian lận tiền thuế của Nhà nước, khi cơ quan chức năng phát hiện, ra quyết định truy thu tiền thuế và phạt theo quy định của pháp luật thì DN bỏ trốn, không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt; có DN tự giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nợ tiền thuế nhưng không thông báo với cơ quan thuế. Số tiền thuế nợ của đối tượng này chiếm 56,7% trong tổng số nợ khó thu. Riêng đối với nợ “có khả năng thu”, số tiền thuế nợ của đối tượng này chiếm 72,3% tổng số nợ thuế, trong đó nợ trên 90 ngày chiếm 63,3%.

Ngành Thuế đang nỗ lực thu hồi thuế bị các doanh nghiệp nợ đọng. Ảnh: minh họa.

Về tình trạng chuyển giá lách thuế, trong những năm gần đây, hiện tượng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều DN kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Điển hình tại một số địa phương như Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN (chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có tới 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu); tại TP HCM và Đồng Nai, tỷ lệ số DN FDI kê khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%...

Năm 2012 tập trung thanh tra thuế tại ngân hàng, bất động sản

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì năm 2012, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương thanh tra tối thiểu 1,5% số DN đang quản lý thuế, tương ứng là 7.802 DN; kiểm tra tối thiểu 12,5% số DN đang quản lý thuế, tương đương 56.496 DN.

Đáng chú ý là công tác thanh tra thuế năm nay sẽ thực hiện theo các chuyên đề, chuyên sâu đối với DN có tiềm ẩn rủi ro về gian lận thuế cao, chuyên đề về ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản, dược, khoáng sản, xuất khẩu nông lâm thủy sản…

Đồng thời, ngành Thuế cũng tăng cường thanh tra các hoạt động giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, mở rộng đối với giao dịch chuyển giá giữa các DN trong nước, giữa công ty mẹ và công ty con…

Về hoàn thuế, Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính ban hành quyết định về chế độ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau theo hướng, các cục thuế, chi cục thuế thực hiện kiểm tra sau hoàn thế tại trụ sở người nộp thuế đối với 100% hồ sơ hoàn thuế trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ra quyết định hoàn thuế.

Các khoản nợ thuê có nguồn gốc từ bất động sản lên đến hàng ngàn tỷ.

Riêng một số trường hợp như DN lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ đã đăng ký nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh; DN hoàn thuế đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản; doanh nghiệp có hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn nhưng chưa đến mức phải xử lý trốn thuế… thủ trưởng cơ quan thuế có thể xem xét thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày ra quyết định hoàn thuế…

Một số DN có số nợ hàng chục tỷ đồng và thời gian nợ kéo dài như: Công ty CP Tập đoàn Thành Công; Công ty CP Bia và Nước giải khát Phú Yên, Tập đoàn Công nghiệp tầu thủy Việt Nam - Công ty TNHH một thành viên, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Cavico Xây dựng cầu hầm...

 

Hay như thị trường bất động sản đóng băng cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nộp thuế của một số DN, thậm chí số tiền thuế nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra, một số DN ngoài quốc doanh, ý thức chấp hành pháp luật thuế kém nên nợ thuế chiếm 53,8% tổng số nợ thuế. Đấy là chưa kể các khoản nợ có nguồn gốc từ đất lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Cương quyết đối với các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế


Kết hợp đồng thời các biện pháp đôn đốc, động viên, theo dõi hoạt động trong thời hạn 90 ngày, tính từ khi phát sinh thuế XNK của doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn này mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, doanh nghiệp sẽ được đưa vào danh sách chây ỳ, công khai trên toàn hệ thống, bị tước bỏ các quyền lợi về ưu đãi thuế, thủ tục hải quan.

Thậm chí sẽ tính đến khả năng cưỡng chế thuế và truy tố trước pháp luật. Những biện pháp này là điều kiện bắt buộc mà Cục Hải quan Quảng Ninh (HQQN) sẽ áp dụng trong năm 2012 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về thất thu ngân sách do các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài thuế XNK.


Những biện pháp này mới được Cục HQQN xây dựng trong kế hoạch triển khai thực hiện công tác xử lý nợ thuế và thu hồi nợ đọng thuế năm 2012 với một loạt biện pháp kết hợp, kiên trì, mạnh mẽ hơn, kiên quyết không để các cửa khẩu, chính sách thuế Nhà nước thành kẽ hở để doanh nghiệp xấu lợi dụng chiếm dụng tiền thuế.

M.T.

Hà An
.
.
.