Nhiều DN chế biến điều không đạt chuẩn

Chủ Nhật, 05/06/2016, 08:18
Cả nước có 151 doanh nghiệp chế biến điều với quy mô lớn nhưng chỉ có 30 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn. Điều đó cho thấy ngành điều còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư chưa bài bản...


Thông tin trên được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) và Hiệp hội Điều Việt Nam công bố tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm hạt điều sau chế biến tại các cơ sở công nghiệp nông thôn”, diễn ra tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước vừa qua. Hội thảo do Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Phước tổ chức.

Báo cáo tại hội thảo của Cục Công nghiệp địa phương và Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, thực trạng bảo quản nhân điều sau chế biến là một vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp trong nước. Thực tế đã xuất hiện dấu hiệu không đảm bảo ATVSTP ở nhiều cơ sở chế biến điều.

Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong sản xuất chế biến, mắc phải những lỗi không cần thiết nhưng cứ lặp đi lặp lại. Trong đó có những trường hợp như hun trùng nhà xưởng quá mức cho phép; dùng thuốc tẩy rửa để làm sạch dụng cụ chứa nhân điều; cho gà vịt vào trong sân phơi điều; để mối mọt vào trong nhân điều…

Công nghệ sản xuất chế biến hạt điều trong một số doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước còn lạc hậu.

Ông Phạm Văn Công - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, thị trường Mỹ và châu Âu rất khó tính. Năm 2015, mấy container điều nhân xuất đi Mỹ bị trả về khi đối tác phát hiện một con mọt trong lô hàng, gây thiệt hại là rất lớn.

Ông Công cũng cho biết, cả nước có 151 doanh nghiệp chế biến điều với quy mô lớn nhưng chỉ có 30 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, BRC. Điều đó cho thấy ngành điều còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư chưa bài bản, thiết bị không đồng bộ.

Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam nói rằng đã qua rồi cái thời sản xuất thủ công; thay vào đó là thời của công nghệ. Doanh nghiệp ngành điều mà không đầu tư công nghệ chế biến hiện đại thì kể cả khâu chế biến, khâu bảo quản cũng không thể tốt hơn được. Điều đó đồng nghĩa với việc không thể xuất khẩu sản phẩm đến những thị trường khó tính được.

Tại hội thảo, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo, nói: “Máy móc, thiết bị là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo ra sản phẩm, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Nếu máy móc, thiết bị càng hiện đại, độ chính xác cao thì quá trình sản xuất ít xảy ra lỗi, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao và ngược lại.

Do đó, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, giá thành của các loại dây chuyền máy móc thiết bị cho ngành điều là khá cao nên việc ứng dụng trong sản xuất chế biến điều gặp nhiều khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước để đầu tư phát triển”.

Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương nhấn mạnh, để giữ thương hiệu điều quốc gia, giữ ngôi vị số 1 trong xuất khẩu điều, rất cần sự đồng lòng thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết phải đảm bảo ATVSTP sau chế biến. Bà Trâm cũng cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ để ngành điều phát triển.

Hiện nay, ở nước ta, hạt điều được đánh giá là một trong 7 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm (gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn). Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới với thị trường xuất khẩu đến nay có trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ lực là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Trong năm 2015, diện tích điều cả nước là 292.000 ha, giảm gần 3.300 ha; năng suất điều bình quân năm 2015 là 12,1 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng điều sản xuất trong nước năm 2015 đạt hơn 345.000 tấn. Cả nước có khoảng 465 doanh nghiệp chế biến điều cùng với hơn 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó có 46 nhà máy quy mô lớn với tổng công suất chế biến trên 1 triệu tấn điều thô/năm.

Trong năm 2015, theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tổng lượng hạt điều đưa vào chế biến là 1,325 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 850 nghìn tấn.

Đức Trí
.
.
.