Thủ tục hành chính - hết thời 'hành' doanh nghiệp

Bài 2: Nhiệm vụ khả thi

Thứ Tư, 15/04/2015, 06:39
Thủ tục hành chính- từng được ví von một cách đầy ẩn ý: “Hành” là chính- suốt một thời gian dài trở thành “gánh nặng” trên đôi vai doanh nghiệp (DN). Lúc còn khỏe, thêm một gánh nặng, cuộc bộ hành vất vả song vẫn có thể đi, nhưng khi ốm yếu, gánh nặng đó trở nên quá tải.
>> “Phao cứu sinh” doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng

Không ít DN đã “gục ngã” trong cơn bão khủng hoảng. Cởi trói, tháo bớt “hành lý” cho DN trở thành yêu cầu cấp thiết. Cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan… là chủ trương của Chính phủ đang được nhiều bộ, ngành quyết tâm thực hiện, trong đó Bộ Tài chính đóng vai trò nòng cốt.

Chuyên đề “Thủ tục hành chính- hết thời “hành” doanh nghiệp” sẽ đề cập tổng thể công cuộc cải cách hành chính, đặc biệt là về thuế, hải quan đang được tiến hành giúp DN “nhẹ gánh” tiếp bước trên đường phát triển và hội nhập.

Theo Báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh quốc gia hằng năm của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang bị tụt hạng. Trong đó, gánh nặng về thủ tục hành chính (TTHC) đã đẩy Việt Nam xuống đứng thứ 101/144 quốc gia trong năm 2014. Nhận thức rõ sự cấp thiết trong cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 với mong muốn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu vươn lên phát triển ở mức trung bình của các nước ASEAN-6. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 19 được xem là làn gió mới, góp phần rà soát bỏ dần các loại TTHC gây khó khăn cho DN, đặc biệt là TTHC thuế và hải quan.

Cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp bớt áp lực nặng nề khi nộp thuế.

Từ khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 19 đến nay, thuế và hải quan được xem là những lĩnh vực đạt được kết quả đột phá trong cải cách TTHC công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). 

Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, khi Nghị quyết 19 được ban hành, Bộ Tài chính coi việc triển khai các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực thuế và hải quan là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, trước sức ép từ phía Chính phủ, cộng đồng DN, đặc biệt là sức ép từ hội nhập, Ban cán sự Bộ Tài chính đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và thấy rằng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Với ý nghĩa đó, Nghị quyết 19 đã thực sự trở thành “làn gió mới” trong thúc đẩy cải cách TTHC và cải thiện môi trường kinh doanh. Tính đến thời điểm 1/1/2015, sau khi thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, số giờ tuân thủ về thuế giảm được 369,86 giờ/năm. Năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, để đạt được mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.

Tính đến quý I/2015, Tổng cục Thuế đã sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế; xây dựng mới 44 quy trình, quy chế, sổ tay nghiệp vụ. Thực hiện rà soát, hệ thống hóa danh mục 421 TTHC trong lĩnh vực thuế; triển khai mở rộng DN khai thuế qua mạng Internet đạt 97%, nộp thuế điện tử... Số lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 8 lần; giảm 4 lần tờ khai nộp thuế thu nhập DN tạm tính.

Việc cắt giảm một số TTHC thuế và thời gian nộp thuế trong thời gian qua, đã thực sự mang lại cho DN nhiều thuận lợi. Trong đó, thuận lợi được các DN ghi nhận nhiều nhất vẫn là giảm căng thẳng, hạn chế được thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, nhất là phí “bôi trơn” thường xảy ra trong các giao dịch trực tiếp. Chị Nguyễn Mai Loan, kế toán thuế của Công ty Thương mại Sỹ Loan, Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Trước đây, mỗi lần nộp thuế, chị đều phải ra tận cơ quan thuế để nộp trong giờ hành chính. Bây giờ được nộp thuế qua mạng, có thể nộp bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ, nên tiết kiệm được rất nhiều thứ như thời gian đi lại, thời gian xếp hàng chờ. Đặc biệt, do không phải gặp gỡ, làm việc trực tiếp với cán bộ thuế, nên không còn nỗi sợ bị “hành” như trước nữa. Phí “bôi trơn” vì thế cũng giảm đi được khá nhiều.

Cùng tâm trạng trên, chị Vũ Thị Duyên, Giám đốc một công ty kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa tại Hải Phòng cũng cho rằng từ khi ngành Thuế tiến hành cải cách TTHC mạnh mẽ, DN của chị được hưởng lợi rất nhiều khi tiết kiệm được cả về công sức lẫn vấn đề tài chính. Đơn cử như, trước đây việc khai thuế GTGT phải làm từng tháng một, thì nay đã được chuyển sang quý, tức 3 tháng khai một lần. Thuế thu nhập DN trước đây phải khai theo quý (3 tháng 1 lần) thì nay chỉ cần thực hiện khai quyết toán năm. 

Bên cạnh đó, DN không phải phải rà soát để kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ đối với trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ trả góp, trả chậm. DN cũng  không phải nộp bảng kê hàng hoá mua vào, bán ra khi kê khai nộp thuế GTGT;  không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có. “Bây giờ mỗi khi tiến hành thủ tục nộp thuế, DN không còn cảm thấy áp lực và nặng nề nhiều như trước nữa” - chị Duyên chia sẻ.

Từ phía các Hiệp hội DN, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Qua khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 19, VCCI nhận thấy có 2 thái cực. Có những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, thậm chí vượt mức. Cụ thể, hiện nay việc cải thiện thời gian đăng ký thành lập DN hay việc thực hiện các thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận điện năng ở một số địa phương, cơ sở làm tốt, thậm chí thủ tục đăng ký thành lập DN chỉ mất 3 ngày chứ không phải 6 ngày. Ngược lại, cũng có những địa bàn, những nơi vẫn còn trì trệ.

Cũng theo chia sẻ của TS. Lộc, theo phản ánh của nhiều Hiệp hội DN và cộng đồng DN trên cả nước, ngành Thuế và Hải quan đang đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục, thời gian và cả tiền bạc của DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Bản thân VCCI cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đó để tiến hành các điều tra xã hội độc lập, phản ánh sự hài lòng của DN đối với chất lượng công vụ cán bộ thuế, hải quan. Các đơn vị này cũng là những đơn vị đi đầu trong việc đề xuất sửa đổi luật, đơn giản hóa các thông tư, thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Đây cũng là những ngành đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, bình đẳng hóa mối quan hệ giữa DN và cơ quan công quyền.

Với Nghị quyết 19, Chính phủ đã ưu tiên tạo dựng môi trường thương mại tốt và có công cụ để đánh giá, trong đó Chính phủ dùng bộ chỉ số của Ngân hàng thế giới chứ không dùng công cụ nội bộ. Cách tiếp cận này sẽ có ích cho các DN-chủ thể tham gia, đối tượng được hưởng lợi chính và cả chính cơ quan quản lý. Trong đó, những cải cách nhằm giảm bớt thủ tục không cần thiết về thuế và hải  quan trên thực tế đã đem lại nhiều lợi ích cho DN.

Mặc dù vậy, để việc cải cách TTHC đi vào thực chất, thay vì đưa ra các mục tiêu chung chung, cần hướng tới các mục tiêu cụ thể như cân nhắc xem số TTHC công thực sự có thể tinh giảm được nữa gồm những gì; thủ tục, số giờ nộp thuế có thể tinh giảm được đến đâu; việc đăng ký hình thành cũng như phá sản DN liệu có đạt được như mục tiêu đề ra.

(Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh)

Huyền Thanh - Lệ Thúy - Lưu Hiệp
.
.
.