Nhập siêu gây khó cho tỷ giá

Thứ Bảy, 04/07/2015, 09:15
Ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề cập là một trong những khó khăn mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt.

Nhận định về nửa cuối năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) chỉ ra 5 khó khăn.

Đầu tiên, đó là vấn đề nhập siêu. Nửa đầu năm nay, nhập siêu ước đạt 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Theo lý giải của UBGSTCQG, nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh.

Tính riêng 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng xuất khẩu chưa bằng một nửa cùng kỳ (7,3% so với 15,4%). Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng đã giảm 1,3%. Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu 5 tháng đầu năm lại cao gấp rưỡi cùng kỳ (15,8% so với 9,6%). Nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng linh kiện máy móc phục vụ sản xuất.

Điều này cho thấy, nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất.

Tỷ giá chịu nhiều áp lực do nhập siêu tăng.

Khó khăn thứ 2, đó là nông lâm nghiệp tăng trưởng chậm lại. Số liệu cho thấy GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16% thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.

Vốn đầu tư giảm là khó khăn thứ 3 mà UBGSTCQG chỉ ra. Theo báo cáo triển vọng Kinh tế toàn cầu tháng 6/2015 của Ngân hàng Thế giới, dự báo tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 5,4% năm 2014 xuống còn 5,1% và 5% tương ứng trong năm 2015, 2016. Xu hướng rút vốn này cộng với hiện tượng nhập siêu sẽ đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực nhiều hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 và năm 2016.

Khó khăn thứ 4, là thu ngân sách tăng chậm hơn so với cùng kỳ. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 7,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 16,2%. Nguyên nhân thu ngân sách tăng chậm là do thu từ dầu thô mới chỉ đạt 35% dự toán do giá dầu thanh toán bình quân vẫn ở mức thấp và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn. Đây cũng là là vấn đề thứ 5 mà UBGSTCQG nhận định. Tính đến 17/6, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước chưa đạt 1/3 kế hoạch cả năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015. UBGSTCGQ cho rằng nguyên nhân khiến suy giảm phát hành trái phiếu là do việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ngoài ra, khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các tổ chức tín dụng phải cân đối thanh khoản. Cùng với đó, nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của Kho bạc nhà nước và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Lệ Thúy
.
.
.