Nhập lậu, độc quyền, đẩy giá sữa lên cao

Thứ Năm, 08/01/2015, 09:27
Mặc cho các nhà chức trách không cho phép nhập khẩu các sản phẩm có in “not to be sold in Vietnam or Mexico”, thì các sản phẩm này vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Đương nhiên, tất cả từ nguồn nhập lậu.

Trao đổi với báo CAND chiều 7/1, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng Hải quan đang giữ 3 container sữa Ensure nhập lậu tại cảng Cát Lái. Chủ hàng khai là lưới thép, nhưng sau khi kiểm tra, phát hiện toàn là sữa - sản phẩm phải được kiểm tra chất lượng trước khi nhập. Ông Cẩn cho biết cơ quan Hải quan đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án buôn lậu và chuyển cơ quan công an.

Theo thông tin chúng tôi được biết, có cả một đường dây buôn lậu sản phẩm sữa này về Việt Nam, bởi nhu cầu của thị trường rất cao, và giá thì trên trời, hiện phổ biến khoảng 50.000 đồng/hộp 238 ml.

Tại sao lại có tình trạng gia tăng nhập lậu? Câu trả lời mới đây đã được Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) hé lộ: Có dấu hiệu tạo độc quyền đơn vị nhập khẩu chính thức, đẩy giá mặt hàng này lên gần gấp đôi so với sản phẩm cùng loại.

Người tiêu dùng đang phải chịu giá sữa cao trên thị trường. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Được biết, đầu năm 2013, Công ty Abbott Laboratories tại Mỹ đã in bổ sung trên nhãn hàng hóa của sản phẩm Ensure dạng nước hương Vanilla (loại sản phẩm tiêu thụ nhiều trên thị trường Việt Nam) dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico” - không bán tại Việt Nam và Mexico, một dòng chữ được cho rằng hoặc cố tình in để tạo thế độc quyền, hoặc có tính chất kỳ thị với Việt Nam. Dù với động cơ nào, doanh nghiệp cũng đang tỏ rõ sự thiếu tôn trọng, thậm chí trục lợi từ người tiêu dùng.

Bởi dòng chữ này, cơ quan kiểm định chất lượng ở Việt Nam là Bộ Y tế đã từ chối kiểm định, đồng nghĩa với việc không cho phép nhập khẩu kể từ tháng 8/2014. Sau động thái này, nguồn hàng bỗng trở nên khan hiếm, kim ngạch nhập khẩu của 3A - nhà phân phối chính thức của Abbott tại Việt Nam đã tăng tới 63%, giá tăng cao.

Trước lợi nhuận “nhãn tiền”, để tìm cách đưa sản phẩm trên vào Việt Nam, một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định còn sơ hở trong việc hướng dẫn hồ sơ xin cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm để làm giả các chứng từ, tài liệu như làm giả bản chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do tại Mỹ (bản CFS hay còn gọi là free sale). Cơ quan chức năng cũng nhận định, kể từ tháng 8, tình hình buôn lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng. Tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2013 đối với riêng Ensure nước khoảng 700 tỷ đồng. Trong đó, Công ty 3A, nhập khẩu khoảng 300 tỷ đồng, còn lại là nhập lậu. Tình hình này đã làm thất thu thuế mỗi năm khoảng 40 – 50 tỷ đồng, đồng thời người tiêu dùng không được bảo đảm về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm sữa Ensure đang được bán với giá rất đắt trên thị trường hiện nay.

Trở lại câu chuyện nhập lậu, mặc cho các nhà chức trách không cho phép nhập khẩu các sản phẩm có in “not to be sold in Vietnam or Mexico”, thì các sản phẩm này vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Đương nhiên, tất cả từ nguồn nhập lậu.

Theo nội dung báo cáo của Tổng cục Hải quan và kết quả công tác nắm tình hình trên thị trường gần đây của Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia được biết: Trên thị trường, mặt hàng chất dinh dưỡng nhãn hiệu Ensure dạng nước được nhập khẩu và phân phối không đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm và các quy định nhập khẩu.

Cụ thể, sau khi được cơ quan Hải quan cho phép DN đưa hàng hóa về tự bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng để được thông quan chính thức, DN đã tự ý giải tỏa và đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ. Để làm được việc này, xuất phát từ quyết định sai của Bộ Công Thương khi cho phép DN tạm giải tỏa hàng khỏi cảng, trong khi đây là mặt hàng thực phẩm, không phải trách nhiệm quản lý của Bộ. BCĐ 389 Quốc gia đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cho tạm giải tỏa này, bởi đã tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa chưa đủ điều kiện nhập khẩu và an toàn thực phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường.

Bộ Y tế cũng được yêu cầu xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc kiểm tra chứng từ, tài liệu của hồ sơ cấp xác nhận công bố sản phẩm đối với sản phẩm Ensure nước, như để một số đối tượng sử dụng tài liệu giả xin xác nhận công bố chất lượng; không lưu giữ các bộ hồ sơ đã cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm theo quy định (trong đó có nhiều bộ hồ sơ có chứng từ, tài liệu giả). Đây là cả một câu chuyện dài khác, không chỉ liên quan đến sản phẩm Ensure mà còn là việc cấp phép cho hàng loạt các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương

Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá và các luật có liên quan. Theo văn bản đó thì “Bộ Tài chính nhận thấy Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá đối với sản phẩm sữa là phù hợp”. Lý do xuất phát từ quy định của Luật Giá, và việc quản lý sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực tế thời gian vừa qua. (H.A.)

Yêu cầu làm rõ nguyên nhân và thay dòng chữ “kỳ thị, phân biệt” trên nhãn Ensure

Trước sự việc Ensure in nhãn “not to be sold in Vietnam or Mexico”… trên bao bì, kéo theo hàng loạt hệ lụy như trên, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế làm rõ với Công ty Abbott Laboratories về chất lượng của loại sản phẩm này. Nếu việc ghi dòng chữ trên chỉ nhằm mục đích chống nhập lậu và sản phẩm này vẫn đang được lưu hành tự do tại nước sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dùng, trong đó có người Việt Nam thì có biện pháp đề nghị Abbott thay việc ghi dòng chữ mang tính “kỳ thị, phân biệt” trên bao bì sản phẩm bằng biện pháp quản lý khác và phối hợp với các cơ quan chức năng để chống nhập lậu.

Vũ Hân
.
.
.