Nhập khẩu thịt gà ồ ạt, nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ

Thứ Ba, 29/10/2019, 07:54
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 128 ngàn tấn (hơn 116,3 triệu USD) thịt gà các loại. Và năm nay, mới chỉ 9 tháng tính từ đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, tương ứng giá trị hơn 96,5 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng gà nhập khẩu ồ ạt đã khiến giá gà nội xuống rất thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng do thừa cung.


Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%)... giá bình quân các sản phẩm là 0,913 USD/kg (khoảng 21.000 đồng/kg).

Dự kiến, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu khoảng 150 ngàn tấn, loại có khả năng cạnh tranh với gia cầm trong nước là thịt đùi khoảng 90 ngàn tấn, chiếm 10,4% so với thịt gia cầm, 13,5% so với thịt gà và 30,4% so với thịt gà công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gà công nghiệp lông trắng đang ở mức 21.000-22.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi vẫn chịu lỗ 3.000-4.000 đồng/kg.

Tương tự, sau khi giá gà giảm ở mức hòa vốn một thời gian khá dài thì khoảng 1 tháng nay, gà lông màu lại có xu hướng giảm mạnh hơn. Hiện giá gà lông màu ở mức 26.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 35.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ 9.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính của tình trạng giá gà trong nước giảm mạnh là do việc ồ ạt nhập khẩu thịt gà đông lạnh.

Bên cạnh đó, giá gà giảm một phần cũng bởi người dân chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhiều trang trại chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà khiến nguồn cung tăng mạnh. Hậu quả, người dân chịu nỗi buồn thua lỗ vì cung tăng, giá giảm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thừa nhận, gà nhập khẩu đã làm sức tiêu thụ gia cầm trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta không thể sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng, thời hạn sử dụng,... thịt gà nhập khẩu, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có chất lượng. Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nay đến cuối năm vẫn ưu tiên các giải pháp phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi.

Đáng chú ý, ngoài hướng dẫn tái đàn lợn bằng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Bộ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ nhằm bù đắp vào phần thiếu hụt thịt lợn.

Điều này khiến các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng nguồn cung gà đang có chiều hướng dư thừa, nếu tiếp tục đẩy mạnh quy mô đàn gà giá có thể giảm sâu hơn, người chăn nuôi lại lỗ nặng và có nguy cơ phá sản cả loạt.

Mặc dù vậy, Cục Chăn nuôi khẳng định, số lượng thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến thị phần và giá thịt gà trong nước. Bởi số lượng có tăng nhưng không tăng nhiều, nhập khẩu thịt gà tăng một phần do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) làm giảm sản lượng thịt lợn. Đáng chú ý, không chỉ tăng nhập khẩu mà đàn gia cầm trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của 56 địa phương do Cục Chăn nuôi công bố, tổng đàn gà tính đến 31-8 là gần 325 triệu con, tăng 14,9% so với tổng đàn của 56 tỉnh này tại thời điểm 1-10-2018 (274 triệu con). Nguyên nhân là do thời gian qua, bệnh DTLCP diễn biến rất phức tạp, người chăn nuôi thiệt hại lớn về kinh tế.

Nhiều cơ sở chăn nuôi lợn chuyển đổi sang nuôi gà công nghiệp, bởi gà công nghiệp trắng nuôi chỉ 35-42 ngày đã xuất chuồng. Một số tỉnh có đàn gia cầm tăng mạnh, như: Đồng Nai tăng 14,3% (tăng khoảng 3 triệu con); Tiền Giang tăng 11,8% (tổng đàn 14,8 triệu con); Long An một số huyện đàn gia cầm tăng 2-3 lần; An Giang 42,8%; Trà Vinh đàn gia cầm tăng trên 2 lần (tổng đàn 6,2 triệu con); Sóc Trăng đàn gia cầm tăng 12,6% (tổng đàn là 7,7 triệu con). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi băn khoăn, tại sao đàn gà trong nước cũng đang tăng mạnh, đang dư cung tại sao lại đẩy mạnh nhập khẩu?

Trúc Linh
.
.
.