Phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tôn thép chính hãng trong nước:

Nhà sản xuất loay hoay tự bảo vệ mình

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:50
Trước thực trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn, thép tràn lan, trở thành vấn đề nóng bỏng căng thẳng đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính trong nước, ngày 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Thép và Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép tại Việt Nam: Nhận diện và quản lý”.

Gian lận đang rất phức tạp

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay nước ta có 15 công ty lớn và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ và phủ màu với tổng năng lực sản xuất lên tới trên 4 triệu tấn/năm. Ngành sản xuất tôn thép mạ và phủ màu của nước ta  đang chiếm vị trí số một trong các nước ASEAN. Tuy nhiên có một thực tế được đưa ra là trong 10 tháng đầu năm 2014, ngành tôn thép mới phát huy được khoảng 60% năng lực và phải xuất khẩu một số lượng lớn (664 nghìn tấn) mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước. Trong khi đó 9 tháng đầu năm, các công ty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500 nghìn tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc về để tiêu thụ trong nước. Về tình hình gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang diễn ra trên diện rộng từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, rất khó để xác định được chính xác chất lượng của các sản phẩm tôn thép mạ và phủ màu như độ dày, chất lượng mạ, phủ bằng mắt thường, mà phải có các thiết bị chuyên dụng và người có trình độ chuyên môn. Đại đa số người tiêu dùng chưa nắm được quy chuẩn về chất lượng, in mẫu mã và chưa ý thức được quyền lợi của mình.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước cho rằng, chỉ khi các cơ quan chức năng xử lý nghiêm mới có thể chấm dứt được nạn kinh doanh tôn giả, tôn nhái do lợi nhuận thu được rất lớn.

Với tư cách là DN dẫn đầu ngành tôn thép Việt Nam, chiếm gần 40% thị phần tôn, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Theo tính toán, chỉ trong 10 tháng đầu năm, chúng tôi đã giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái, tương đương với việc chúng tôi bị mất sản lượng gần 45 nghìn tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng. Người tiêu dùng thì bị móc túi từ 4 đến 6 nghìn đồng/m tôn giả”. Còn đối với sản phẩm tôn mạ thương hiệu tôn Thăng Long và tôn Việt Ý của Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, ngay sau khi được thị trường chấp nhận cũng bị lâm vào tình cảnh bị làm giả, làm nhái. Ông Trịnh Đình Hùng, Phó TGĐ cho biết, trên nhiều địa bàn tôn Thăng Long, tôn Việt Ý có thị phần tiêu thụ lớn đã bị các xưởng cán sóng (không là đại lý của công ty) đã in nhái thương hiệu của hai sản phẩm lên trên sản phẩm tôn mạ chất lượng kém, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, làm giảm uy tín thương hiệu chính hãng, mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất, kinh doanh uy tín.

Trước tình trạng trên, các DN sản xuất tôn vẫn loay hoay tự bảo vệ mình. Công ty CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã phải lập số tổng đài tiếp nhận ý kiến và tư vấn khách hàng 1800 1515. Vnsteel Thăng Long cải tiến in ấn trên sản phẩm: in thương hiệu ở cả 2 mép dọc theo chiều dài cuộn tôn (1 bên in chìm, không thể tẩy xóa được). Để giải quyết triệt để, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, các DN ngành tôn thép đều có chung đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Quyết liệt làm lành mạnh thị trường

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, ông Trần Việt Hưng cho biết, về mặt hàng tôn mạ nhập khẩu, dự kiến cả năm 2014 sẽ nhập khoảng 700 nghìn tấn chủ yếu từ Trung Quốc. Tại khâu nhập khẩu, các mặt hàng tôn thép bị phát hiện sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số để gian lận thuế, trốn thuế. Trong năm 2014, cơ quan hải quan đã bắt giữ 64,5 nghìn tấn tôn thép các loại. Về mặt giải pháp, ông Hưng cũng đề nghị các DN ngành tôn thép tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với Tổng cục Hải quan để cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. Đồng thời cần đưa mặt hàng tôn thép vào danh mục hàng hóa trọng điểm phải kiểm soát về giá và chất lượng, giả mạo về sở hữu trí tuệ, đặc biệt kiểm soát về sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng này khi giả mạo các nhãn hiệu tôn của các công ty ở Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, cho biết, ngay trong quý IV-2014, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắt thép xây dựng”. Theo đó từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra để rút kinh nghiệm. Thông qua kiểm tra để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc kinh doanh mặt hàng sắt thép. Để đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý và phát hiện vi phạm cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hiệp hội, DN sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng với các cơ quan chức năng như: Công an, Hải quan, QLTT…

Thu Uyên – Vũ Hân
.
.
.