Nhà đầu tư chờ việc nạo vét luồng tàu

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:05
Việc nạo vét luồng sông Soài Rạp sẽ đáp ứng được cho tàu từ 50 - 70 ngàn tấn với tần suất sử dụng đạt 75% và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư lên đến 300 triệu USD và khi nhà đầu tư lớn là Tập đoàn Dubai Word đã "ngoảnh mặt, quay lưng", UBND thành phố đã phải giao cho IPC làm chủ đầu tư.

Sau hơn một năm tích cực đàm phán với Tập đoàn Dubai Word (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước; Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã trực tiếp liên hệ, làm việc và đàm phán với các công ty con của Dubai Word để đi đến thỏa thuận hợp tác đầu tư vào các dự án trong Khu đô thị cảng Hiệp Phước, nhưng theo báo cáo của UBND thành phố, kết quả đạt được giữa 2 bên là không khả thi và nhiều khả năng cho thấy tập đoàn này đang muốn rút khỏi dự án. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự ra đi của nhà đầu tư tầm cỡ là do 2 bên đã không thống nhất được các điều kiện chung cho vấn đề liên doanh cũng như việc phải chi phí lớn trong đầu tư nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp.

Về liên doanh xây dựng Khu đô thị Hiệp Phước, ngày 28/4, IPC đã tiến hành ký với Limitless (công ty con của Tập đoàn Dubai Word) thỏa thuận nguyên tắc để cùng nghiên cứu dự án liên doanh xây dựng, lập quy hoạch và lên phương án triển khai. Theo thỏa thuận, 2 bên sẽ đi đến quyết định thành lập liên doanh trước ngày 31/12.

Quy hoạch chi tiết đã lập xong, thì ngày 5/9, Limitless đã gửi văn bản cho IPC thông báo rằng: "Nhằm tạo điều kiện cho thành phố và IPC xây dựng một số hạng mục hạ tầng và nạo vét luồng sông Soài Rạp để phục vụ Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Limitless đề nghị được chuyển cho thành phố 150 triệu USD. Đổi lại, thành phố sẽ giao cho Limitless những khu đất "sạch" ở những khu vực khác tương đương với số tiền trên.

Limitless còn đưa ra yêu cầu "thành phố chịu trách nhiệm bồi thường, di dời dân, giải phóng mặt bằng, san lấp toàn khu đất và đưa ra giá đất hoàn chỉnh của Khu đô thị Hiệp Phước để xây dựng trước khi Limitless chuyển tiền vào".

Không chấp nhận yêu cầu này, IPC đã bảo lưu quan điểm như thỏa thuận ban đầu, rằng 2 bên phải thành lập liên doanh với số vốn điều lệ 450 triệu USD, trong đó Limitless nắm giữ 70%.

Và không ai khác, chính liên doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường, giải tỏa toàn khu đô thị; san lấp mặt bằng cũng như xây dựng trục đường Bắc - Nam nối từ Khu đô thị Hiệp Phước ra đến Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Một tuần sau đó, Limitless tiếp tục có văn bản bảo lưu quan điểm và đưa ra thêm những điều kiện không phù hợp với trách nhiệm của các bên trong liên doanh.

Việc đàm phán với Công ty Jafza International, một công ty con khác để thực hiện dự án khu công nghiệp Logictics, diện tích 400ha tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước dựa trên nguyên tắc 2 bên sẽ thành lập liên doanh phát triển cũng chẳng đạt kết quả khá hơn.

Với Dubai Ports Word (DP Word), sau nhiều lần thương thảo về việc thuê đất để xây dựng cảng container cũng không đem lại kết quả. Bởi yêu cầu "Ứng trước 75 triệu USD cho khu đất diện tích 75ha, chạy dài 1.500m dọc sông Soài Rạp và cho vay thêm 100 triệu USD để nạo vét luồng sông Soài Rạp xuống độ sâu 12m" chỉ được DP Word đáp ứng khi IPC phải được một ngân hàng Nhà nước có uy tín bảo lãnh và có tài sản thế chấp khác!?

Hiện tại, luồng cho tàu biển ra vào các cụm cảng của thành phố chủ yếu vẫn là sông Lòng Tàu, chỉ đáp ứng cho tàu 30 ngàn tấn. Với mật độ tàu biển lưu thông rất lớn, bình quân mỗi tháng có gần 4,2 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng biển.

Tình trạng quá tải cộng với xu thế tăng trọng tải tàu trong lĩnh vực hàng hải càng đặt việc nạo vét lòng sông Soài Rạp trở nên bức thiết khi luồng sông này còn có nhiều ưu điểm như: Rộng, ít các khúc cong, khúc cong có bán kính lớn và hải trình từ cửa biển vào đến cụm cảng lại ngắn hơn sông Lòng Tàu.

Việc nạo vét luồng sông Soài Rạp sẽ đáp ứng được cho tàu từ 50 - 70 ngàn tấn với tần suất sử dụng đạt 75% và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư lên đến 300 triệu USD và khi nhà đầu tư lớn là Tập đoàn Dubai Word đã "ngoảnh mặt, quay lưng", UBND thành phố đã phải giao cho IPC làm chủ đầu tư.

Hiện vấn đề khó khăn về nguồn vốn đã được giải quyết khi IPC có thể huy động được từ các nhà đầu tư thuê đất xây dựng cảng và diện tích đất khu công nghiệp Logictics.

Theo IPC, các nhà thầu quốc tế thường yêu cầu trả trước 30%, số còn lại thanh toán theo khối lượng nghiệm thu nhưng chủ đầu tư phải được Chính phủ bảo lãnh về tài chính. Việc thực hiện dự án nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp hiện cũng đã được IPC thuê nhà thầu quốc tế Portcoast làm tư vấn giám sát và quản lý dự án.

Khi việc đàm phán với Dubai Word, nhà đầu tư dự kiến sẽ "ôm" trọn gói việc xây dựng cả Khu đô thị cảng Hiệp Phước đã không khả thi, vấn đề đặt ra là cần mở rộng đàm phán với những đối tác khác để chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và dự án cần được Bộ Tài chính cam kết bảo lãnh ngay khi thành phố tìm được nhà thầu

Đ.T.
.
.
.