Nhà đầu tư cần thấy trách nhiệm với thị trường

Thứ Ba, 01/04/2008, 10:59
Kể từ khi chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, nhiều nhà đầu tư chứng khoán, kể cả bậc đại gia và nhà đầu tư nhỏ lẻ trên các sàn giao dịch ở TP Hồ Chí Minh đã phải choáng váng, trong đó không ít người gần như trắng tay.

Không dừng lại ở đó, khi 8 phiên liên tiếp vào nửa cuối tháng 3 vừa qua, chỉ số VN-Index rơi tự do từ 617 điểm xuống dưới mốc 500 điểm, mất hơn 120 điểm.

Đáy của sự tuột dốc là vào phiên giao dịch ngày 25/3, chỉ số VN-Index chỉ còn 496,64 điểm, mất đến hơn 24 điểm so với phiên trước. Tình trạng này thực sự đã khiến toàn thị trường rúng động và bất kể nhà đầu tư nào đang còn ôm cổ phiếu trong tay cũng phải hoảng loạn, khi số tiền đầu tư vào cổ phiếu nhanh chóng mất đi từ 1/3 đến gần một nửa. Chỉ số VN-Index càng xuống thấp, tình trạng nhà đầu tư lớn nhỏ bán tháo cổ phiếu theo kiểu phó mặc để gỡ vốn diễn ra càng nhiều.

Cùng lúc, một lượng lớn chứng khoán đang được cầm cố ồ ạt bán ra. Cung cao gấp nhiều lần cầu trong lúc những nhà đầu tư có tiền còn phải nghe ngóng chưa dám đặt lệnh mua càng khiến thị trường rơi vào bế tắc. Một loạt các biện pháp quản lý nhà nước để giải cứu thị trường chứng khoán đã được Chính phủ kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành áp dụng ngay.

Ngay khi Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc thay đổi biên độ dao động giá và thông tin này được công bố, trong phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ số VN-Index đã tăng ngay 8,03 điểm. Rõ ràng đây là liều thuốc kích cầu có hiệu quả.

Trong phiên này, đã có hơn 20,17 triệu chứng khoán các loại được giao dịch với tổng giá trị đạt trên 881,4 tỷ đồng. So với phiên giao dịch ngày 25/3 trước đó, khối lượng giao dịch đã tăng gấp hơn 2 lần và giá trị giao dịch thành công cũng tăng gấn gấp đôi, điều này đã cho thấy, việc mua bán cổ phiếu phụ thuộc quá nhiều vào tâm lý bất ổn của các nhà đầu tư hơn là việc bình tĩnh phân tích, đánh giá tình hình thực tế trước khi quyết định mua, bán mỗi khi thị trường gặp cơn nóng lạnh.

Phiên giao dịch ngày 27/3, phiên đầu tiên áp dụng biên độ giao động hẹp, màu xanh đã quay trở lại trên các bảng giao dịch điện tử tại các sàn giao dịch ở TP Hồ Chí Minh khi tiếp tục có đến 150/153 mã chứng khoán tăng giá. Chỉ số VN-Index tăng thêm 4,08 điểm. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, ngày 28/3 cũng vậy, lại có 151 mã chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố tăng giá, chỉ số VN-Index phiên này cũng tăng thêm 3,95 điểm, đạt 512,7 điểm và đây là phiên thứ 3 liên tiếp VN-Index tăng điểm.

Nhưng ngược lại, khối lượng chứng khoán giao dịch thành công và tổng giá trị giao dịch lại tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng, thấp hơn rất nhiều so với những phiên trước.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/3 vừa qua UBCK Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin tiêu cực về thị trường chứng khoán, trong đó UBCK Nhà nước đã khẳng định: "Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tin đồn sai sự thật mang tính kích động gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường chứng khoán".

Những cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán thông tin thất thiệt đối với thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị phát hiện và xử lý. Nhưng qua đây cũng lại cho thấy một điều: nhiều nhà đầu tư thiếu bản lĩnh đã bị "gây nhiễu" mà quyết định mua bán chứng khoán chứ không phải là đưa ra quyết định giao dịch dựa trên cơ sở chắc chắn bằng những phân tích, nhận định từ thực tế thị trường.

Thị trường chứng khoán tăng giảm là điều bình thường, chỉ số VN - Index sụt giảm mạnh, liên tục như những ngày qua nguyên nhân phần lớn xuất phát từ yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu cơ kiểu ăn theo.

Khi sự ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ từ luồng vốn Tổng Công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) sẽ kéo VN-Index lên chưa đạt kết quả, nhiều nhà đầu tư đã vội vàng quyết định tháo chạy khỏi thị trường. Từ đó càng tạo áp lực, đẩy giá chứng khoán thụt lùi, trong khi lãi thì nhà đầu tư hưởng, thua lỗ thì được Nhà nước "gánh".

Bởi đặt trường hợp, số tiền do SCIC đầu tư mua chứng khoán vào để kéo thị trường lên bị thua lỗ, chắc chắn chẳng có cả nhà đầu tư hay người đầu cơ nào phải chịu chia sẻ cùng với Nhà nước.

Rõ ràng, đợt sụt giảm nghiêm trọng giá chứng khoán vừa qua đã khiến dư luận nhìn nhận rằng: không chỉ đơn thuần là đầu tư kiếm lợi nhuận, mỗi nhà đầu tư cần phải thấy trách nhiệm với thị trường trong các quyết định mua, bán chứng khoán của mình

Đức Thắng
.
.
.