Nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Nguy cơ trắng tay vì cho mượn tiền, sổ đỏ (kỳ 2)

Thứ Tư, 22/07/2009, 08:46
Dư luận tại Tiền Giang hiện đang đặc biệt quan tâm đến những phi vụ do "bà chủ trẻ" Trương Thị Diễm Thúy (33 tuổi, chủ DNTN may gia công hàng may mặc Tuấn Tâm, trụ sở đặt tại 119A, ấp 3, xã Trung An, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) thực hiện. Số tài sản của hơn chục người dân bị "bà chủ" này dùng thủ đoạn mượn tiền, mượn sổ đỏ, chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng.

>>Kỳ 1

Để "ẵm" được số tiền lớn như vậy, cuối năm 2007, Thúy đã đứng ra thành lập DNTN may gia công, thực chất là tạo vỏ bọc bên ngoài cho người dân tin tưởng. Tiếp theo đó, Thúy trực tiếp vận động bà con rằng mình đang cần nguồn vốn lớn để kinh doanh, đặc biệt là để ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài(?). Thúy cũng không quên đưa ra mức lãi suất rất hấp dẫn là từ 8-10%, thậm chí là 15%/tháng. Thế là nhiều người dân lần lượt gom góp tiền, vàng, sổ đỏ đưa cho Thúy vay...

Để tạo lòng tin nơi các bị hại, lúc đầu Thúy chỉ vay với số tiền nhỏ, đến cuối tháng đóng lãi hoặc trả lại vốn rất đầy đủ. Sau đó, Thúy viện cớ cần gấp vốn để làm ăn, hỏi vay dần dần với số tiền lớn hơn rồi chiếm đoạt. Sau khi nhận thêm tiền, không phải chỉ rối rít cảm ơn, Thúy còn lật sổ ghi giấy nợ, ký tên tỏ ra mình là "dân làm ăn đàng hoàng".

Bà Phạm Mỹ Hoa, bà con cùng xóm còn gọi là Mười Hoa (53 tuổi, ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) - người bị Thúy lừa đảo chiếm đoạt tiền nhiều nhất so với hơn chục bị hại còn lại kể, nhà bà nằm cùng trên một con đường với nhà Thúy nên hàng ngày bà đều đi ngang qua và hết sức ấn tượng trước vẻ hào nhoáng bên ngoài của căn nhà này cũng như cung cách làm ăn của chủ nhân nó.

Đã có ấn tượng tốt đẹp, lại thêm có người giới thiệu nên khi Thúy đặt vấn đề vay tiền với lãi suất hấp dẫn, bà Hoa không một chút ngần ngại và đã nhận lời. Vậy là chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2008, bà đã cho vay 6 lần với tổng số tiền 2,245 tỷ đồng và 5 lượng vàng 24K. "Tôi thật sự đâu có đủ số tiền, vàng ấy đâu. Đó là tiền, vàng tôi mượn của bạn bè, chị em mỗi nơi một chút và phải lấy giấy chủ quyền nhà đất thế chấp người ta mới chịu cho mượn. Ai ngờ xong rồi tiền gốc mình không lấy được, tiền lời cũng không. Mới mấy lần đầu, nghĩ nó bị kẹt thiệt nên ráng gồng mình để giúp nó thêm. Nay thì mới biết nó đã lún sâu thiệt rồi".

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hoa còn nghẹn ngào kể thêm rằng, để làm cho bà yên tâm, Thúy còn nhận con rể của bà đem xe tải vào lái cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Tâm, hàng ngày đi giao nhận hàng. Nhưng chẳng ngờ, con rể bà cũng trở thành nạn nhân. Con rể bà đã cho "bà chủ" mượn giấy chứng nhận đăng ký xe đem đi cầm để lấy 150 triệu đồng nói rằng đóng cho Hải quan để hàng được xuất bến(?). Quá thời hạn cam kết, con rể bà Hoa chẳng có tiền chuộc lại nên bị mất xe luôn.   

Nếu như bà Mười Hoa bị Thúy lôi thêm chàng rể vào cuộc thì chị Phạm Vũ Anh Thư (39 tuổi, ngụ 128/5B, Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP Mỹ Tho) từng là người cùng xóm với Thúy, bị Thúy định lôi luôn cả chồng. Với lý do "chuẩn bị vốn ký hợp đồng với công ty nước ngoài, đóng thuế hải quan để xuất khẩu hàng may mặc"(?), ngày 28/2/2008, Thúy đã hỏi vay của chị Thư 300 triệu đồng và cam kết sẽ hoàn trả sau 4 ngày với lãi suất 4%/tháng và "sẽ nhận chồng vào làm việc cho DNTN Tuấn Tâm với mức lương cao". Tin lời Thúy, chị Thư đã đưa cho Thúy 260 triệu đồng và mua lại của Thúy 2 chiếc xe môtô BKS 63V8-7225 và 63V1-4039 với giá 30 triệu đồng.

Nhận tiền xong, Thúy chẳng giao xe cho chị Thư mà mang đi cầm lấy tiền tiêu xài. Chi tiết này cũng tương tự như trường hợp bà Dương Thị Vinh (45 tuổi, ở xã Bình Đức, Châu Thành). Trong quá trình vay tiền của bà Vinh (số tiền 1,120 tỷ đồng, Thúy có thế chấp cho bà Vinh một sổ đỏ tại ấp 3, xã Trung An, TP Mỹ Tho. Sau đó, Thúy đến xin mượn lại sổ đỏ này 3 ngày sẽ trả. Tới khi bà Vinh đi tìm Thúy đòi lại thì mới biết, Thúy đã bán miếng đất này cho người khác để lấy số tiền 300 triệu đồng.

Nạn nhân Đoàn Thị Thu Thủy (37 tuổi, ngụ xã Trung An, TP Mỹ Tho) kể, vào tháng 4/2008, khi nghe Thúy kêu bán các lô đất và căn nhà tại địa chỉ 119A, ấp 3, Trung An,... chị đã đồng ý mua và đặt cọc tổng số tiền 2,11 tỷ đồng. Nhưng sau khi giao tiền cho Thúy rồi mới biết, trước đó, Thúy đã thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng...

Còn chị Lê Thị Biết (45 tuổi, ngụ ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, Châu Thành) kể, biết Thúy không còn khả năng thanh toán khoản nợ 150 triệu đồng, chị đã đề nghị Thúy bán lô đất trong sổ đỏ H02492 mà Thúy đã thế chấp cho chị. Cuối tháng 10/2008, khi chị đến Phòng Công chứng làm thủ tục sang tên thì mới tá hỏa: Lô đất này Thúy mua lại của người khác nhưng chưa trả tiền xong nên chủ đất cũ đã có đơn ngăn chặn chuyển nhượng... 

Một điều tra viên cơ quan điều tra Công an Tiền Giang kể, để khắc phục hậu quả do "cô chủ trẻ" Diễm Thúy để lại, các nạn nhân hiện rất khốn đốn. Bà Dương Thị Vinh đã phải bán đi căn nhà đang ở, cùng với miếng đất rộng hơn 1.000m2 để trả nợ. Còn bà Mười Hoa thì cách đây khoảng 4 tháng phải vào tận một con hẻm sâu thuê nhà trọ vì ngôi nhà cũ đồ sộ ngày nào đã phải bán đi để trả khoản nợ mà trước đây bà đứng ra vay cho Thúy. Cay đắng hơn, bà Hoa có đứa con trai đang học lớp 12, bất ngờ gia đình lâm cảnh khó khăn đã phải nghỉ học để lên TP HCM kiếm sống và phụ giúp gia đình.              

 (còn nữa)

Nhóm PV, CTV ĐBSCL
.
.
.