Người tiêu dùng chưa tin vào thương mại điện tử

Thứ Sáu, 28/12/2007, 14:09
Tình trạng ăn cắp các dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngày càng gia tăng khiến phần lớn người tiêu dùng dè dặt với giao dịch điện tử.

Tại Hội nghị bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự phát triển của thương mại điện tử được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho rằng, thực tế ở Việt Nam cho thấy, do lo ngại dữ liệu cá nhân bị sử dụng bất hợp pháp nên phần đông người tiêu dùng chưa thực sự có đủ niềm tin để tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức

Kẽ hở trong bảo vệ dữ liệu cá nhân dẫn tới trộm trên mạng rõ nhất là trường hợp một đối tượng đã xâm nhập ăn cắp thẻ tín dụng trong tài khoản của nhiều người đặt mua vé máy bay của hãng Tiger Aiways mới đây. Khi các cơ quan chức năng phát hiện, thì việc tịch thu phần tài sản bị mất không còn bao nhiêu, do đối tượng trộm cắp đã bán đi lấy tiền tiêu xài.

Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay, thực tế nhiều đơn vị chỉ chú trọng tới chuyện kinh doanh, mà bỏ qua chuyện bảo mật thông tin. Qua điều tra cho thấy, trong số 289 website chuyên dùng cho thương mại điện tử tại Việt Nam được khảo sát, thì chỉ có 74 website công bố chính sách bảo vệ thông tin khách hàng, chiếm 26%.

Như vậy, còn tới 74% sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động, mà thiếu những cam kết cụ thể về chế độ thu thập và sử dụng thông tin cho các bên tham gia. Tình trạng ăn cắp các dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngày càng gia tăng khiến phần lớn người tiêu dùng dè dặt với giao dịch điện tử.

Qua xem xét cho thấy, chỉ những website nào có mức độ tổ chức cao thì mới quan tâm tới việc bảo mật thông tin cá nhân. Trong số này phải kể tới các website thương mại điện tử B2B, những sàn được đánh giá chuyên nghiệp nhất thì cũng chỉ có 57% có tỷ lệ xây dựng được chính sách bảo mật thông tin khách hàng, còn các website thương mại điện tử B2C, C2C mặc dù chiếm số lượng đông hiện nay và có đối tượng phục vụ chủ yếu là cá nhân thì lại có tỷ lệ khiêm tốn hơn trong việc xác định chính sách bảo vệ thông tin cá nhân cho những người tham gia giao dịch.

Nhận thấy, vai trò của bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử ngày càng lớn và cấp thiết, Bộ Công thương mới đây cũng đã khuyến khích đẩy mạnh tính bảo mật đối với hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử nhằm bảo đảm tính tương đồng cao về thủ tục xuất nhập khẩu với các nước khác trên thế giới.

Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam hệ thống cấp visa điện tử cho hàng xuất khẩu dệt may để truyền dữ liệu visa tự động từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhờ đó mà hơn 300.000 visa xuất khẩu hàng dệt may được thực hiện an toàn trong suốt thời gian Hoa Kỳ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Hành lang pháp lý cần chặt chẽ

Nếu như năm 2006, Vụ Thương mại điện tử - Bộ Công thương đánh giá vấn đề thương mại điện tử thì vấn đề an ninh mạng là trở ngại thứ 3 trong 7 trở ngại hàng đầu đối với việc phát triển thương mại điện tử, tới năm 2007 vấn đề bảo mật thông tin lại được xem là vấn đề trở ngại đầu tiên trong 7 tiêu chí khi tham gia khảo sát. Việt Nam hiện vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào nhằm điều chỉnh các hành vi liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính hệ thống.

Hiện nay, dư luận đang chờ nghị định hướng dẫn  Luật Công nghệ thông tin điều chỉnh về vấn đề thư rác và thông tư hướng dẫn nghị định về thương mại điện tử trong việc giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử của Bộ Công thương.

Khi được ban hành, nó sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo nguyên tắc "Bảo vệ dữ liệu điện tử trong APEC" nhằm bảo đảm tính tương đồng cao với các nền kinh tế thành viên khác, phù hợp với pháp luật Việt Nam

Văn Nguyễn
.
.
.