Đề xuất đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên:

Người thu nhập thấp cũng phải nộp thuế

Thứ Hai, 16/04/2018, 08:26
Ngay sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với nhà và công trình trên đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây là cách tận thu.


Sau 7 năm lấy nhau, vợ chồng anh Hải mới mua được căn hộ chung cư 80m2 ở tận huyện Hoài Đức, nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, với giá 900 triệu đồng. Trong số 900 triệu ấy, vợ chồng anh chỉ có 600 triệu đồng, còn lại là phải đi vay mượn khắp nơi.

Bây giờ, sau niềm vui có nhà mới, nỗi lo mới của vợ chồng anh Hải là làm sao trong hai năm tới phải trả hết 300 triệu đã vay của anh em, bố mẹ hai bên.

"Nhận nhà xong là vợ chồng tôi hết sạch tiền, đến bộ bàn ghế còn chưa có tiền mua nên khách đến nhà đành ngồi chiếu. Hai vợ chồng tôi thu nhập mỗi tháng được gần 20 triệu, hàng tháng trừ chi phí sinh hoạt, cố gắng dành dụm vài triệu trả nợ. Vì thế nghe các ông Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản với nhà từ 700 triệu đồng trở lên, tôi thấy rất bức xúc vì ở đất Hà Nội này, có cái nhà chung cư nào dưới 700 triệu không", anh Hải nói.

Cùng cảnh dân tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp như vợ chồng anh Hải, để mua được căn hộ chung cư 70m2 ở khu HH Linh Đàm với giá 1,2 tỷ đồng, vợ chồng chị Huyền cũng phải chắt bóp suốt 10 năm và được bố mẹ hai bên hỗ trợ thêm mới mua nổi nhà.

Đề xuất đánh thuế đối với nhà đất trên 700 triệu đồng gây nhiều tranh cãi.

"Nói thật, ở Hà Nội mà phải mua loại chung cư hơn 1 tỉ như mình là được xếp vào loại nghèo rồi. Nếu có tiền thì tôi cũng chẳng mua nhà ở khu HH Linh Đàm này làm gì vì vừa chật chội, đã thế chiều nào đi làm về cũng phải chờ thang máy vài chục phút mới lên được nhà. Bây giờ nếu theo cách tính thuế tài sản là nhà từ mức 700 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu thuế thì hàng năm tôi sẽ phải nộp thuế cho mức 500 triệu của giá trị vượt", chị Huyền than thở.

Nhưng hoàn cảnh như gia đình anh Hải, chị Huyền cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều gia đình trẻ hiện nay. Để có thể mua được một chỗ "chui ra chui vào" vài chục mét vuông, phần lớn họ đều phải tích cóp nhiều năm và vay mượn, vì thế đều thấy bất ngờ và bức xúc trước đề xuất thu thuế của Bộ Tài chính.

Theo chị Huyền, để xây dựng được ngôi nhà, chủ đầu tư đã phải nộp thuế cho tất cả các loại nguyên vật liệu, và tất cả chi phí này đều đã tính vào giá căn hộ. Khi mua nhà, người mua nhà cũng phải trả các loại phí bảo trì, phí làm thủ tục cấp giấy tờ sở hữu nhà. Vì vậy nếu thu thêm khoản thuế tài sản hàng năm nữa thì chẳng khác nào phải trả tiền thuê cho chính ngôi nhà mình đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua.

"Tôi đọc báo thấy các ông Bộ Tài chính nói rằng đã so sánh với nhiều nước nhưng hình như họ không chịu hiểu thu nhập bình quân của Việt Nam năm 2017 mới chỉ có 2.400 USD/ người thôi, thấp hơn các nước mà các ông ấy so sánh rất nhiều", chị Huyền nói. 

Trong khi đó, từ góc độ một người kinh doanh bất động sản, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, đặt câu hỏi căn cứ vào đâu để tính thuế tài sản từ căn hộ trị giá 700 triệu đồng? Bởi lẽ giá bất động sản biến động theo thời điểm, cùng một dự án, người mua ở mỗi thời điểm khác nhau giá đã khác nhau. Không những thế, giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào chất lượng căn hộ.

Căn hộ sau vài năm xuống cấp, giá giao dịch cũng sẽ khác. Giá nhà tại Việt Nam hiện đang ở mức khá cao, tại các dự án ở khu vực ngoại thành xa trung tâm cũng rất ít căn hộ dưới 1 tỷ đồng, vì vậy những người mua các căn hộ này phần lớn thuộc nhóm thu nhập thấp, giờ phải gánh thêm thuế tài sản chắc chắn sẽ là một gánh nặng.

Nhìn ở tầm vĩ mô, một số chuyên gia kinh tế cho rằng thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng mức thu phải phù hợp với điều kiện kinh tế của phần lớn người dân. Chính sách thuế phải dựa trên 2 nguyên tắc là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở; việc đánh thuế phải công bằng, nghĩa là những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Thực tế hiện nay, nhiều người dân khi mua nhà đã phải vay ngân hàng, nếu tiếp tục bị đánh thuế thì sẽ rất khó khăn. Không những thế, việc Bộ Tài chính đề xuất đưa ra mức 700 triệu đồng để đánh thuế là vận dụng định mức không phù hợp thực tế, vì tại nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay, giá một căn hộ gần 70m2 cũng khoảng 1 tỷ đồng. Do đó nhà nước không nên đánh thuế căn nhà đầu tiên mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi, vì những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai.

Việc thu thuế như vậy sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà. Nhà nước chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đất, vì ngôi nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế; việc đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.


Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, ở nước ta hiện chưa thu thuế nhà ở, chỉ thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Mức thuế phải nộp là khá thấp do được tính theo bảng giá đất hàng năm của địa phương khi thuế suất chỉ ở mức 0,03% đối với đất ở trong hạn mức; 0,07% đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức và cao nhất cũng chỉ có 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.

Từ đó Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có thuế đất ở, nhà ở, nhưng nên thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020. Theo Hiệp hội BĐS thành phố, vướng mắc khi áp dụng sắc thuế trên là tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một loại thuế do đang được quy định bởi Luật Đất đai.

Mặt khác, tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở khi chiếm trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng 30% trong giá thành nhà phố; chiếm đến 50% trong giá thành biệt thự. Từ đó, Hiệp hội BĐS lưu ý việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản đánh thuế đất ở, nhà ở cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở.

Mức thuế suất nên áp dụng ở mức 10-15% hoặc có thể cao hơn, dựa trên bảng giá đất hợp với giá thị trường, để đảm bảo tính minh bạch, giảm mức thu tiền sử dụng đất rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn. Sau đó mới bổ sung thuế tài sản đất ở, nhà ở, để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách. (Bảo Sơn)
Phong Sơn
.
.
.