Người mua nhà có nhu cầu, ngân hàng có tiền nhưng tại sao vẫn tắc?

Thứ Ba, 28/10/2014, 09:54
Với mức thu nhập trung bình thấp hiện nay thì có đến 80% người nghèo ở đô thị, nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và Nhà nước thì sẽ không thể giải quyết bài toán an cư. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình mới đây.

Như thế có nghĩa số lượng người có thu nhập thấp ở đô thị có nhu cầu cấp thiết về nhà ở rất lớn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn phía Nhà nước cũng đã hỗ trợ bằng nhiều mặt, như: miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… cho doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm nhà ở đáp ứng được nhu cầu của người có thu nhập thấp. Không những thế, một ưu đãi lớn nữa là cho người có thu nhập thấp vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để tạo dựng nhà ở, điển hình là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, có một thực tế phải thừa nhận là gói tín dụng này không đạt kết quả như mong đợi, nếu không nói là thất bại. Tại sao một lượng rất lớn người có thu nhập thấp vẫn đang có nhu cầu về nguồn vốn để giải quyết bài toán an cư, ngân hàng có tiền, mà gói tín dụng vẫn tắc?

Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11 về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đã bổ sung đối tượng thu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi suất cho vay vẫn giữ 6%/năm và thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa đối với mua nhà là 15 năm, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2031. Đặc biệt, những người có đất rồi nhưng vì khó khăn về tài chính nên chưa thể xây được nhà, hoặc nhà ở quá chật chội, không đủ điều kiện sinh hoạt... cũng sẽ được vay ưu đãi để xây mới hoặc cải tạo nhà đang ở. Mức tối đa được vay lên tới 700 triệu đồng và có thể vay ưu đãi tới 10 năm được hỗ trợ lãi suất đến hết tháng 5/2026. Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà ở xã hội cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp thuê, mua... cũng đều được vay. Khách hàng vay xây mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà được vay không vượt quá 700 triệu đồng. Như vậy, sau nhiều lần sửa đổi, dự thảo lần này có nhiều điểm mới theo hướng mở hơn cho các đối tượng vay vốn. Điều này sẽ giúp cho gói tín dụng ưu đãi sẽ được triển khai nhanh hơn, bên cạnh đó phía người mua nhà cũng như các dự án giá rẻ sẽ được lợi.   

Tính đến ngày 20/9/2014, theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tổng số vốn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là 3.200 tỷ đồng, có 7.823 khách hàng đã được tiếp cận vay vốn. Mặc dù tốc độ giải ngân đã tăng khoảng 3,5 lần so với năm 2013, nhưng hiện gói hỗ trợ này vẫn “mắc kẹt”. Như vậy, một chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước có ý nghĩa to lớn, tích cực, được cả xã hội đồng thuận để giải quyết an sinh xã hội, sau một thời gian dài triển khai mà người có thu nhập thấp vẫn đang phải “vật vã” với giấc mơ an cư thì các gói tín dụng khác được “bày vẽ” ra như cho công viên chức được vay tới 2 tỷ đồng mua nhà liệu có thực tế? Hàng trăm nghìn người dân đang có nhu cầu để giải quyết nỗi bức xúc về nhà ở, ngân hàng khẳng định luôn sẵn sàng, làm thế nào để gỡ các “nút thắt chính sách” là câu hỏi đang rất cần các nhà quản lý giải quyết

Phan Hoạt
.
.
.