Đã tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc:

Người lao động phải cam kết không bỏ trốn

Thứ Hai, 12/09/2011, 08:05
Thông tin Chính phủ Hàn Quốc dừng vô thời hạn kỳ kiểm tra tiếng Hàn, có thể dừng tuyển lao động Việt Nam đi Hàn Quốc thực sự làm cho người lao động lẫn các cơ quan quản lý như "ngồi trên đống lửa"

Trước thông tin Chính phủ Hàn Quốc sẽ dừng vô thời hạn kỳ kiểm tra tiếng Hàn, thậm chí có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là dừng tuyển lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), đã không chỉ khiến cho hàng chục nghìn lao động đang chờ được chọn và lao động đã học tiếng Hàn như “ngồi trên đống lửa” mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động cũng đau đầu tìm biện pháp tháo gỡ. Bởi lợi ích từ chương trình hợp tác lao động đã quá rõ.

Bỏ trốn vì lương bên ngoài cao hơn

Trong tình huống cấp bách, cần thể hiện những động thái tích cực từ phía Việt Nam để Chính phủ Hàn Quốc xem xét lại việc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, khi mà Chính phủ nước này đã liệt kê lao động Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có số lượng lao động bỏ trốn, bất hợp pháp cao nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH vừa mới có chuyến “vi hành” về gặp gỡ, trao đổi thông tin trực tiếp về thị trường lao động Hàn Quốc với các gia đình, chính quyền địa phương ở 3 tỉnh có đông lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Nhiều lý do mà bản thân người lao động đã từng đi làm theo hợp đồng rồi bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đưa ra, nhưng mấu chốt cơ bản mà họ đưa ra là sự so bì về tiền lương giữa người làm theo hợp đồng và người bỏ ra làm thuê bên ngoài. Anh Nguyễn Minh Phúc (Hương Sơn - Hà Tĩnh) từng làm việc 12 năm tại Hàn Quốc cho biết, tôi đã có thời gian dài làm việc lưu vong tại Hàn Quốc, đã chứng kiến nhiều bạn bè cùng quê trốn ở lại làm.

Mặc dù người Hàn Quốc họ rất ít khi đối xử tệ bạc với lao động nhưng điều mà lao động nào cũng nơm nớp lo sợ là bị tai nạn và bị quỵt lương. Lâm vào tình huống ấy thì không ai đứng ra bảo vệ và đền bù cho mình, chỉ có tổ chức nhân đạo, rất thiệt thòi. Còn nguyên nhân vì sao mà lao động bỏ trốn được anh Phúc cho biết là vì mức lương làm bên ngoài cao hơn. Các lao động thường hay so bì mức lương, mức lương làm trong công ty theo hợp đồng thường chỉ từ 750 đến 900 USD/tháng, còn có nhiều người làm bên ngoài được 1.500 USD/tháng, nên nhiều người đã bị bạn bè rủ rê bỏ ra ngoài làm để được mức lương cao hơn, gửi tiền về nhà được nhiều hơn. Anh Phúc đã bị Cảnh sát phát hiện và trục xuất về nước năm 2004.

Còn một lý do khiến lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc được các lãnh đạo chính quyền địa phương ở một số xã có lao động bỏ trốn ở Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đưa ra đó là việc các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc muốn giữ lại lao động làm được việc. Khi hết hạn hợp đồng, họ đã có biện pháp báo che để giữ lao động ở lại làm việc bất hợp pháp.

Đi làm việc tại Hàn Quốc đem đến cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhiều lao động.

Làm gì để người lao động tiếp tục được xuất cảnh

Theo ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch xã Cương Gián (Hà Tĩnh) thì việc lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc cũng một phần từ phía chủ sử dụng lao động Hàn Quốc có ứng xử thiếu tôn trọng lao động. Còn ông Phan Thanh Là, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân, đưa ra lý do sức ép chi phí thực tế để đi làm việc tại Hàn Quốc lớn, nên người lao động mới tính toán để trả được nợ và có chút ít tích cóp, nên mới bỏ trốn ra ngoài. "Nguyên nhân chi phí lớn là do người lao động qua "cò", trung tâm môi giới” – ông Là nói.

Cho dù với lý do nào thì việc bỏ trốn ở lại đang là một vấn nạn mà Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm can thiệp mạnh. Làm thế nào để tạo cơ hội cho lao động ở những vùng quê còn khó khăn của Việt Nam tiếp tục được đi làm việc tại Hàn Quốc, cải thiện cuộc sống, là mục tiêu cuối cùng mà Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng các địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao bàn tính.

Trước đó, ngày 1/8/2011, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh có công văn gửi đến Công an Hà Tĩnh đề nghị Công an tỉnh tham gia ý kiến, đóng góp vào dự thảo văn bản của sở này để sớm trình lên tỉnh. Trong dự thảo văn bản có đề cập đến hình thức xử phạt đối với người nhà của những lao động làm việc nước ngoài bất hợp pháp. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phải dùng biện pháp hành chính, chỉ đạo dừng tuyển dụng lao động tại 3 xã: Cương Gián, Cẩm Nam và Kỳ Ninh của Hà Tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, từng là Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại nước này cho biết, vì tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc nên Chính phủ Hàn Quốc không muốn công bố truy quét, bắt bớ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp, nên biện pháp có tính nhân văn được đưa ra là kêu gọi sự phối hợp của các gia đình có người thân đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thuyết phục con, em về nước. Nhưng biện pháp này cũng được nhận định là khó khả thi. Đại diện một phường ở Hà Tĩnh đã đề xuất, quan trọng là đề ra được biện pháp, cơ chế ràng buộc gì cho những người sắp đi tiếp theo. Ví dụ nhà có người đi bỏ trốn rồi thì không cho người tiếp theo đi nữa.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động, tiền lương tiền công Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, Nghệ An cũng đã có những biện pháp mạnh như: đề xuất với tỉnh cấm tuyển dụng lao động tại những xã, phường có 3 lao động trở lên bỏ trốn, gia đình nào có người bỏ trốn khi thân nhân lên xác nhận hồ sơ đi lao động sẽ không được duyệt. Bộ LĐ-TB&XH cần cập nhật danh sách lao động bỏ trốn thông báo nhanh cho các địa phương để địa phương thông báo cho gia đình, vận động con em về, sẽ được hưởng khoan hồng. Những người về nước đúng thời hạn, được tổ chức đón long trọng, coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Một điều rất đáng mừng là những thanh niên đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài ra, với những quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, lao động bỏ trốn ra ngoài sẽ không thể tìm được việc làm có thu nhập hấp dẫn như trước mà ngược lại họ rất dễ gặp rủi ro, thu nhập không đảm bảo và việc làm không ổn định, làm mất đi cơ hội sang làm việc tại thị trường hấp dẫn này của nhiều lao động khác.

Trước lo lắng và thắc mắc của nhiều lao động đã học tiếng và đang chưa biết sẽ phải chờ đợi kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong bao lâu, đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam khẳng định: “Ngay cả chúng tôi cũng đang chờ đợi kỳ kiểm tra này. Nếu không cải thiện được tình hình lao động bỏ trốn thì Chính phủ Hàn Quốc sẽ dừng thi, và không tuyển lao động Việt Nam. Các lao động bỏ trốn chịu về nước, thì mới có thể tiếp tục tiến hành kỳ kiểm tra lại”.

Để giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn, Đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan xây dựng, đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; Áp dụng hình thức đặt cọc, hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; Thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động về nước như kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước với các chủ sử dụng lao động đặc biệt là các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; phối hợp tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động sau khi về nước.

Thu Uyên
.
.
.