Người dân và doanh nghiệp cùng "thắt lưng buộc bụng"

Thứ Hai, 07/03/2011, 15:00
Trong khi nhiều người làm công tập lại thói quen “mang cặp lồng cơm đi làm” thì DN lại "thắt lưng buộc bụng" bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí trung gian, chi phí quảng cáo, điều chỉnh giảm lợi nhuận và tăng cường tối đa tiết kiệm.

Việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… đã thiết lập nên một mặt bằng giá mới ngay từ đầu tháng 3. Từ trạng thái "sốc" vì giá cả tăng nhanh, thay vì kêu ca, phàn nàn, cả người dân và doanh nghiệp đều chuyển dần sang việc chủ động "sống chung với bão giá" bằng cách tính toán lại thu chi để không "vung tay quá trán", thay đổi thói quen sinh hoạt và "thắt lưng buộc bụng" để tiết kiệm.

Người dân thay đổi thói quen sinh hoạt để tiết kiệm

Chị Lê Thanh Bình (XaLa - Hà Đông) cho biết: Việc nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của gia đình "viên chức" có thu nhập trung bình như gia đình chị. Thay vì ra ngoài ăn như trước đây, bây giờ ngày nào chị dậy sớm hơn 30 phút nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Anh Thắng chồng chị còn chia sẻ kế hoạch tiết kiệm của vợ bằng cách thay tất cả các bóng đèn tròn, bóng típ trong nhà bằng bóng đèn compack tiết kiệm điện.

Cũng theo chị Bình, trước tình trạng cơm hộp, cơm văn phòng tăng giá chóng mặt từ 20-30 ngàn lên 50-60 ngàn đồng/suất, nhiều chị em trong cơ quan chị còn nấu cơm và chế biến các món ăn sẵn cho vào hộp rồi mang đến cơ quan để ăn trưa.

Ban đầu mới chỉ một vài người nhưng sau gần 1 tuần đã có rất nhiều chị em trong cơ quan hưởng ứng bằng cách phân công nhau mỗi người chế biến sẵn một vài món rồi mang đến ăn chung để bữa ăn vừa phong phú, vừa có thể thay đổi món được thường xuyên.

Được xếp vào loại có thu nhập khá vì cả hai vợ chồng đều làm việc cho công ty nước ngoài nhưng trước tình trạng giá cả đang leo thang, tiền đi chợ cứ cảm giác như "mình bị ai móc túi", chị Ngô Thanh Hòa (Giáp Bát - Hà Nội) cũng phải lên kế hoạch cân đối lại thu chi để không rơi vào tình trạng "vung tay quá trán".

Nhiều người dân mua hàng khuyến mại, giảm giá để tiết kiệm.

Chưa có thu nhập, trong khi giá xăng, giá điện, giá nước lẫn giá phòng trọ đều tăng; giá cả các loại lương thực, thực phẩm cũng trên đà phi mã đã khiến cho nhiều sinh viên phải nghĩ ra đủ mọi cách để cắt giảm chi tiêu.

Hoàng Thái Hà (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: Giá cả tăng chóng mặt trong khi số tiền hàng tháng bố mẹ gửi lên không thay đổi nên bữa ăn hàng ngày vốn quá đạm bạc của bọn em đang có nguy cơ bị teo lại. Thế nên cả 3 phòng trong dãy trọ của em đã "góp gạo thổi cơm chung" để giảm chi phí bằng cách phân công nhau ra các chợ đầu mối để mua thực phẩm từ sáng sớm rồi về chế biến.

Doanh nghiệp cũng tăng cường…  "thắt lưng buộc bụng"

Việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân mà còn khiến DN phải tính toán, "liệu cơm gắp mắm"  khi các chi phí đầu vào tăng cao sẽ gây áp lực lên giá thành sản phẩm, mất dần lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên thay vì kêu khó kêu khổ, rất nhiều DN đã bắt tay ngay vào việc "thắt lưng buộc bụng" bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí trung gian, chi phí quảng cáo, điều chỉnh giảm lợi nhuận và tăng cường tối đa tiết kiệm.

Bà Ninh Thị Ty, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết: Để tiết kiệm chi phí, Vinatex đã "kết bạn" với một vài doanh nghiệp cùng ngành khác và cho nhau mượn nguyên liệu để tận dụng đồ thừa. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp này đã hoàn thành đơn hàng cho đối tác mà vẫn còn thừa nguyên liệu như vải, khuy, chỉ màu, sơn phun thì có thể để lại cho doanh nghiệp khác với đơn hàng tương tự dùng.

Còn Công ty May Thái Tuấn cũng lên kế hoạch cắt giảm mọi chi phí quảng cáo, tiếp khách, điện nước... Tất cả các chuyến công tác xa, từ giám đốc cho đến nhân viên đều được sắp xếp, kết hợp "một công hai chuyện" sao cho đỡ tốn kém nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP, chia sẻ: Công ty phải tính từng ly từng tý để tiết kiệm… tối đa. Việc đầu tiên trong kế hoạch này là đầu tư trang thiết bị giảm tiêu hao năng lượng để thay thế các thiết bị cũ, sử dụng thiết bị năng lương mặt trời để giảm chi phí. Tiếp đến là cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Tương tự, ông Hồ Văn Hải, Giám đốc Công ty Rượu Hà Nội cũng cho rằng, công ty đang tính đến việc sẽ điều chỉnh để hạn chế việc tiêu thụ điện vào giờ cao điểm. Đồng thời, có thể dùng than để thay thế điện ở một số khâu sản xuất để có thể tiết kiệm ở mức tối đa.

Theo một lãnh đạo của Tập đoàn FPT, để ứng phó với tình hình, một mặt FPT đẩy cao việc thực hiện mục tiêu doanh số, lợi nhuận. Mặt khác, hạn chế tuyển người mới, thuyên chuyển các vị trí không đáp ứng yêu cầu, cắt giảm các hoạt động không trực tiếp tạo ra lợi nhuận và tăng cường tiết kiệm. Trong chiến dịch cắt giảm chi phí, FPT đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, coi đó là chìa khoá chống lạm phát

Huyền Thanh
.
.
.