Liên quan đến công tác tái định cư Dự án sân bay Long Thành:

Người dân nên tiếp nhận thông tin từ chính quyền

Thứ Ba, 04/05/2021, 07:38
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai. Hiện khu tái định cư (TĐC) được chính quyền, các bên có liên quan khẩn trương tiến hành để đáp ứng tiến độ thi công.



BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện cắm mốc theo hình thức cuốn chiếu 3.000 lô đất TĐC tại Khu dân cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án sân bay Long Thành để nhanh chóng đưa người dân tới sinh sống, trả mặt bằng cho dự án.

Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Long Thành cũng đã thực hiện chi trả 12 đợt, đang chuẩn bị chi trả đợt 13 cho người dân. Dù vậy, người dân vẫn còn nhiều lo lắng bởi việc bố trí suất TĐC, ai được ai không, việc đền bù, giá cả đền bù vẫn chỉ nghe qua… tin đồn.

Một hộ gia đình sau khi nhận đền bù đã dỡ bỏ nhà cửa trả mặt bằng cho dự án.

Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện cắm mốc các lô đất là bước quan trọng để tiến tới bàn giao đất cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành di dời vào xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Hiện đã có rất nhiều hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa đã được nhận tiền đền bù và đã bốc thăm vị trí đất TĐC. Tuy vậy, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, vẫn không ít hộ dân thấp thỏm vì không biết mình có được đền bù hay không, có được suất TĐC hay không.

Với những diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ, sổ hồng) nằm trong khu vực giải tỏa thì không có gì phải nói. Tuy nhiên, đối với nhiều diện tích đất cũng nằm trong khu vực bị giải tỏa (chưa, không được cấp sổ đỏ, sổ hồng), người dân lại như ngồi trên đống lửa. Tất nhiên, việc đền bù như thế nào, giá cả ra sao đã có hướng dẫn chi tiết, tùy theo vị trí đất. Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa là mọi việc đã xong.

Ông Bùi Văn Thìn, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành có 1.000m2 đất trong đó có 300m2 thổ cư. Trên đó ông cất 3 căn nhà cho vợ chồng ông và các con. Do đất nằm trong diện giải tỏa, không thể chia tách nên chỉ một trong 3 căn có thổ cư. Đất của ông nằm ở vị trí 1, thuộc loại 1. Theo quy định, ông được một suất chính, diện tích 125m2. “Còn những hộ, căn nhà “ăn theo” kia không biết có được hay không dù chỉ là suất phụ?”, ông Thìn thắc mắc.

Cũng nằm trong diện giải tỏa, nhà ông Hòa, ấp Cẩm Đường, xã Bình Sơn, huyện Long Thành chỉ có 500m2 đất, nhưng có tới hơn chục nhân khẩu. Ông Hòa cũng có 4 người con, đều là công nhân. Con cái ông lập gia đình vẫn ở chung với bố mẹ.

Theo tiêu chuẩn, hộ ông Hòa được một suất chính. Nếu không bị giải tỏa, gia đình hơn chục nhân khẩu gồm ba thế thệ nhà ông Hòa “bấu víu” vào diện tích đất trên để sống nhưng giờ bị giải tỏa chỉ được nhận 125m2 đất tại khu tái định cư thì không biết hơn chục con người ấy sẽ sinh hoạt như thế nào?

Hay như hộ cụ Vương, ngụ ấp Cẩm Đường, Bình Sơn, Long Thành, trên thửa đất hơn 2.000m2, trong đó có 150m2 đất thổ cư. Nhà cụ Vương xây dựng từ năm 1998. Nhưng khi con trai út của cụ lập gia đình, cụ cho con xây căn nhà thứ 2 (năm 2005) trên thửa đất đó. Đồng thời cụ sang tên cho con toàn bộ 150 m2 thổ cư.

“Cụ Vương là con liệt sĩ. Nay cụ đã ở tuổi 90. Đất thổ cư cụ đã cho con. Theo quy định hộ nào có thổ cư, mới có suất đất tái định cư, còn cụ Vương suất phụ liệu có được và nếu được suất phụ đến bao giờ mới được bốc thăm, nhận đất, và liệu có kịp di chuyển tới nơi tái định cư, bởi hai cụ đã gần trăm tuổi trời?”, một người thân của cụ Vương thắc mắc.

Nhà đất nằm ở vị trí nào có thổ cư thì được nhận suất chính theo khu vực và vị trí đường tương ứng, còn với những hộ “cơi nới” có gia đình riêng, có hộ khẩu nhưng không có nhà, hoặc có nhà làm trên đất cha mẹ cho thì có khi… “mất trắng”.

Theo quy định, những hộ gia đình nào xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa sau những năm 2016-2017 thì không được áp giá đền bù. Nhiều gia đình con cái lớn dựng vợ, gả chồng nên buộc phải làm nhà, cho con ra ở riêng, giờ cũng đang như trên đống lửa vì không biết có được suất TĐC, dù là phụ hay có được hỗ trợ tiền xây dựng nhà cửa, hỗ trợ bao nhiêu, hình thức nào…?

Liệu có bao nhiêu hộ dân từ hộ chính, sang hộ “ăn theo” và không có TĐC như cụ Vương? Đi đâu, ở đâu, tiền đâu mua đất, phải mua đất giá cao… và bao nhiêu hệ lụy khác? Hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến không ít hộ dân “đau đầu”, mất ngủ. 

Bên cạnh đất có sổ hồng, còn rất nhiều diện tích đất nằm trong dự án không được cấp giấy chứng nhận, bà con thấp thỏm lo âu vì không biết có được đền bù hay không. Nhiều người dân cho biết, bà con thấp thỏm cũng là lẽ thường bởi, nhiều gia đình đã được nhận tiền đền bù, hỗ trợ, trong khi hầu hết số đất không có sổ thì chưa ai nhận được đồng nào. Hơn nữa có nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh những diện tích đất này, nào là giá chỉ bằng một nửa, hoặc nếu 2ha chỉ được bồi thường 1ha…?

Tại các cuộc tiếp xúc với người dân nằm trong diện phải di dời phục vụ cho việc xây dựng sân bay Long Thành do cấp có thẩm quyền tổ chức, người dân đã đưa ra các đề nghị. Thứ nhất, phải công khai, minh bạch cho nhân dân biết chính sách bồi thường đất và tài sản trên đất cũng như việc hỗ trợ TĐC.

Thứ hai, đẩy nhanh việc đào tạo nghề, bố trí công ăn việc làm cho người dân, nhất là giới trẻ, những người còn đang ở tuổi lao động, tổ chức cuộc sống cho người dân thuộc dự án sân bay Long Thành sao cho tốt nhất, hợp lý nhất. Thứ ba là yêu cầu công khai minh bạch trong công tác rà soát, kiểm kê đất và tài sản gắn liền trên đất hoàn toàn chính xác… Đất nằm trong diện giải tỏa không được cấp sổ thì bồi thường thế nào?…

Tất cả ý kiến của người dân đã được các cấp có thẩm quyền trả lời đầy đủ, rõ ràng và đang từng bước thực hiện. Trong đó, giá tiền bồi thường từng loại đất đã được niêm yết công khai tại UBND các xã, nơi có đất nằm trong dự án bị thu hồi. Dù vậy bà con vẫn còn nhiều thắc mắc về việc hỗ trợ công ăn việc làm, đào tạo nghề… đặc biệt là về suất TĐC, ai được suất chính, ai được suất phụ, ai không...?

Theo luật sư Phan Mạnh Thăng, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, TĐC là việc bố trí chỗ ở mới hoặc trả chi phí để người có đất bị thu hồi tìm một chỗ ở mới trong trường hợp người bị thu hồi đất không còn chỗ ở nào khác trong phạm vi địa phương nơi có đất bị thu hồi và phải di chuyển chỗ ở. Tùy thuộc vào diện tích đất bị thu hồi và khả năng chi trả của người được TĐC.

Nguyên tắc bố trí suất TĐC là công khai hóa phương án TĐC; ưu tiên bố trí vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng; phương án bố trí TĐC đã được duyệt phải được công bố công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi và tại nơi TĐC...

Ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, hiện cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất hồ sơ, rà soát từng hộ dân, đồng thời phải “chạy đua” với thời gian cho kịp tiến độ. “Hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất việc chi trả, bồi thường được 12 đợt, chuẩn bị chi trả đợt 13. Đây là dự án lớn, để tránh xảy ra sai sót, giảm thiểu thiệt thòi cho bà con nên việc rà soát, xét duyệt ai được, ai không được suất TĐC, cần phải làm thật kỹ, hộ nào nằm trong diện di dời đều được hỗ trợ đúng theo quy định”, ông Tiếp cho biết.

Về phần đất không được cấp sổ tuy còn nhiều vướng mắc, nhưng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang nỗ lực giải quyết theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Ông Tiếp cũng đề nghị bà con đừng nghe tin đồn, suy diễn làm ảnh hưởng đến công tác giải tỏa đền bù.

Bùi Thanh
.
.
.