Người dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt ở Bình Phước

Thứ Hai, 19/03/2018, 14:08
Hiện nay, Bình Phước là một trong những địa bàn có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước. Song, nhiều hộ dân nơi đây đang rơi vào cảnh nợ nần, vì hồ tiêu bỗng dưng chết hàng loạt, năng suất tiêu thấp. Cùng với huyện Lộc Ninh, Bù Đốp được coi là 1 trong 2 huyện “thủ phủ” của cây hồ tiêu của Bình Phước với diện tích trên 4.500 ha. Gần đây, nhiều vườn tiêu trên địa bàn chết hàng loạt khiến người dân lao đao.


Theo thống kê toàn huyện Bù Đốp, chỉ từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã có trên 180 ha tiêu chết trắng và con số này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ông Hà Anh Dũng cùng ngành chức kiểm tra, động viên người dân

 Gia đình ông Ngô Văn Sang (ngụ ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) là một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng do hiện tượng tiêu chết hàng loạt. Ông Sang nói trong nước mắt: “Với 1.800 nọc tiêu xanh tốt trồng được 5 năm cho thu hoạch, đột nhiên xuất hiện vài trụ tiêu vàng lá, khô cành không rõ nguyên nhân từ trước Tết Nguyên đán. Đến nay, cả vườn tiêu đã bị “xóa sổ” dù đã dùng nhiều cách để cứu tiêu. Tôi đã mời chuyên gia tư vấn, mua thuốc đổ, xịt, đào mương, cắt lá chân làm đủ kiểu nhưng tiêu vẫn chết. Ước thiệt hại hơn 400 triệu đồng”.

Tiêu chết trắng ngày càng lan rộng

Bà Yến trồng xen cao su và nỗ lực cứu diện tích tiêu còn lại

Cùng lâm vào cảnh tương tự, bà Trần Thị Yến (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp), chua xót: “Gia đình có trên 2,5 ha với hơn 4.500 trụ 4 năm tuổi. Để có được vườn tiêu trên, tôi đã phải vay mượn tiền người thân, đầu tư hơn 500 triệu đồng. Dự tính năm nay, tôi thu về gần 10 tấn tiêu khô lợi nhuận được vài trăm triệu đồng để tái đầu tư. Thế nhưng, vườn tiêu này chưa kịp cho một hạt tiêu nào đã chết gần hết. Giờ trồng cao su xen lẫn, mong rằng 7 năm tới có thu nhập trả nợ…”.

Tại huyện Bù Gia Mập, hàng trăm hộ trồng tiêu cũng đang điêu đứng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thưởng (ngụ xã Đắk Ơ) có hơn 600 trụ tiêu chết. Những trụ tiêu này đều biểu hiện vàng lá rồi rụng từ từ. Khi cây tiêu được nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ thối đen, lớp vỏ bên ngoài bị bong tróc khiến cây không lấy được dinh dưỡng. Nhiều năm qua, gia đình ông trồng cây tiêu theo đúng kỹ thuật nên luôn cho năng suất cao và được nhiều hộ tại địa phương đến học hỏi kinh nghiệm. Từ cuối năm 2017 đến nay, vườn tiêu của nhà ông bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm mà không có cách nào cứu.

Theo đánh giá ban đầu của tỉnh Bình Phước: Nguyên nhân tiêu chết là do niên vụ tiêu năm 2015-2016 bị hạn hán nghiêm trọng. Đến niên vụ 2016 -2017, mưa nhiều kèm theo lốc xoáy liên tục. Một số vườn tiêu bị gãy đổ gây tổn thương bộ rễ cây nên khó phát triển. Mặt khác, độ ẩm đất và không khí tăng cao tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại. Cùng với đó, một số diện tích tiêu trồng trên đất trũng ngập úng khi mưa nhiều. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng cũng đang ráo riết thăm hỏi, kiểm tra, động viên người dân và tìm giải pháp hỗ trợ bà con.

Tại buổi thị sát thực tế tại hai xã Tân Thành và Tân Tiến, ông Hà Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp, cho biết: “Trước thực trạng trên, các ngành chuyên môn đã có buổi hội thảo để hướng dẫn bà con cách cứu tiêu. Tuy nhiên thực tế thì không phải vườn nào cũng cứu được. Thời gian tới, người dân nên cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Chúng tôi sẽ quan tâm, định hướng cho người dân những khu vực thuận lợi để chuyển sang trồng cây ăn trái nhằm phá thế độc canh. Mỗi hộ gia đình có thể nghiên cứu trồng xen canh, trồng đa cây trồng kết hợp với chăn nuôi nhằm ổn định cuộc sống.”

Đ.Trung-C.B
.
.
.