Ngư dân vượt khó ra khơi

Thứ Bảy, 14/05/2011, 13:44
Khó khăn chồng chất khó khăn do giá cả đồng loạt "leo thang", đặc biệt là giá xăng dầu, song những tháng đầu của năm 2011, ngư dân Hải Phòng vẫn kiên cường bám biển, đánh bắt hải sản đạt sản lượng 13,3 ngàn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Quyết tâm bám biển

Hải Phòng hiện có 4.500 tàu thuyền hoạt động nghề cá, trong đó có 342 tàu đánh bắt xa bờ, công suất trên 90CV tập trung tại 4 địa phương trọng điểm là Thủy Nguyên, Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy..., trong đó lớn nhất phải kể đến Tập đoàn đánh cá Nam Triệu thuộc xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) với 850 phương tiện đánh bắt và dịch vụ.

Ông Vũ Văn Cự, Tập đoàn trưởng cho biết, hiện hơn một vạn dân trong xã hoàn toàn mưu sinh với nghề biển từ đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ chài lưới, vật tư, nguyên liệu đến sửa chữa, đóng mới tàu thuyền đánh cá. Từ đầu năm đến nay, do giá cả tăng cao, nhất là giá xăng dầu, một số ngư dân đã phải neo thuyền, treo lưới và lên bờ vì các chuyến biển thu không đủ chi.

Trước những khó khăn đó, tập đoàn đã từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư hợp lý và liên kết vươn khơi để giảm chi phí và định hướng về thời điểm, khu vực biển nào có thể khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập đoàn mạnh dạn hỗ trợ một phần nguyên liệu cho một số tàu đi thăm dò, tìm kiếm ngư trường khai thác tốt, thông báo cho các tàu đến cùng đánh bắt. Nhờ vậy, nghề biển ở Lập Lễ, nhất là nghề "chụp mực" vẫn được duy trì và phát triển.

Ông Đinh Như Sở, 61 tuổi, ở thôn Lạch Sẽ, người từng có thâm niên bốn mươi năm có lẻ gắn bó với biển khơi, cho biết, cũng như nhiều người trong xã, nghề cá với ông vốn "cha truyền, con nối", mất nghề, cả gia đình không biết làm gì sinh sống. Bằng kinh nghiệm và thực tiễn, ông cho rằng, nếu được đầu tư đóng tàu lớn, vươn khơi, bám biển dài ngày và có chính sách bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, biển cả vẫn là nguồn sống khá của người đi biển. Nhiều hộ như gia đình các ông Đinh Như Cường, Đinh Như Xưa... mạnh dạn đóng thuyền lớn, vươn khơi đang có thu nhập tốt.

Cũng giống như ở Lập Lễ (Thủy Nguyên), ngư dân phường Ngọc Hải (Đồ Sơn) và Đại Hợp (Kiến Thụy) chọn giải pháp liên kết thành đội tàu để vươn khơi. Khi các thuyền đã đánh bắt được nhiều hải sản thì tập trung lại cho một, hai phương tiện vận chuyển vào bờ nơi gần nhất và mang nguyên liệu quay trở lại ngư trường. Giải pháp này không những tiết giảm khá lớn chi phí xăng dầu, vật tư cho các chuyến biển, mà còn hỗ trợ nhau khá hiệu quả khi xảy ra sự cố hay hỏng hóc phương tiện trên biển… Đây là cách làm được đánh giá là hiệu quả cao khi mà chi phí mỗi chuyến biển hiện đã tăng hơn 30% so với trước. Chỉ tính riêng trong vụ cá bắc mới rồi, với 171 tàu, ngư dân Ngọc Hải (Đồ Sơn) đã đánh bắt hơn 2.800 tấn thủy sản, đạt doanh thu hơn 61 tỷ đồng, tăng 10% so với vụ cá bắc năm trước.

Đội tàu vươn khơi của Tập đoàn đánh cá Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Vẫn mong Nhà nước hỗ trợ giá dầu

Hiện nay, chi phí một chuyến đi biển đã tăng 30% so với trước khi giá cả các loại vật tư, nhiên liệu thiết yếu như xăng, dầu, điện tăng. Ngư dân hơn ai hết đang phải gánh những áp lực mới trong mỗi chuyến vươn khơi.

Theo tính toán, với một con tàu công suất 90CV, chỉ một chuyến đi biển 20 ngày, đã "ngốn" chi phí ngót 90 triệu đồng, trong đó, tiền dầu vẫn là lớn nhất với hơn 60 triệu đồng; tiền 300 cây đá lạnh bảo quản hết ngót 10 triệu đồng. Mỗi chuyến biển như vậy, nếu đánh bắt sản lượng đạt dưới 100 triệu đồng coi như lỗ. Đó còn chưa kể khấu hao tàu và ngư lưới cụ...

Ông Trần Quang Hợp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Hải (Đồ Sơn) cho biết: Nỗ lực là thế, song thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, toàn phường có tới 157 tàu cá trong tổng số 171 tàu của ngư dân đã phải nằm bờ do số thu mỗi chuyến biển không đủ bù chi phí do giá dầu tăng cao.

 Mong muốn nhất của bà con ngư dân Hải Phòng hiện nay là Nhà nước cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, nhất là trợ giá dầu để ngư dân tiếp tục bám biển dài lâu; đặc biệt là cần tiếp tục đầu tư có chọn lọc để tăng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Các cấp, các ngành chức năng cũng cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cách thức, bước triển khai để ngư dân tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng các chính sách của Nhà nước về ưu đãi, hỗ trợ và vay vốn; khai thác, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm khai thác ổn định bền vững...

Ngoài ra, cũng cần có biện pháp tăng cường bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nguồn lợi thủy sản, kiên quyết xử lý các phương tiện đánh bắt kiểu "tận diệt" để giảm tới mức thấp nhất sự bấp bênh của ngư dân mỗi khi ra khơi. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, ấn định một thời gian "cấm biển" phù hợp trong thời kỳ cá sinh sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong thời gian ngư dân không ra khơi, Nhà nước có thể trợ giúp lương thực cho bà con sinh sống...

Chỉ có như vậy mới có thể động viên ngư dân vững tin ra khơi, gắn bó đời mình với nghề để ổn định cuộc sống tiến tới làm giàu và góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng biển đất nước...

Văn Thịnh – Quang Dũng
.
.
.