Ngư dân Quảng Ngãi vẫn thẳng tiến khơi xa

Thứ Năm, 21/05/2015, 10:13
Những ngày qua, trước thông tin lệnh cấm biển hết sức ngang ngược, phi lý của Trung Quốc đã gây xôn xao phản ứng đối với các ngư dân có tàu cá đang neo đậu tại cảng Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
>> Ngư dân bình thản ra khơi trước lệnh cấm phi lý từ Trung Quốc

Ngư dân Nguyễn Châu, 42 tuổi, chủ tàu và cũng là thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNg 98656TS, vừa rời vùng biển Trường Sa trở về đất liền bán hải sản; nghe thông tin trên đài phát thanh, anh và các thuyền viên trên tàu rất bức xúc: “Họ cấm biển kéo dài từ đảo Hải Nam đến tận Trường Sa. Trong khi đó, vùng biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân tui là công dân Việt Nam, làm ăn trên vùng biển Tổ quốc mình, thì họ có quyền gì cấm đoán. Ngư dân tui không sợ lệnh cấm phi lý đó đâu...”. 

Trước lệnh cấm biển ngang ngược và phi lý của Trung Quốc, tàu cá ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn vươn khơi đánh bắt hải sản.

Trước thông tin Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16/5, anh em ngư dân tàu cá số hiệu QNg 98749 của ông Nguyễn Văn Vinh, 57 tuổi, ở xã Phổ Quang, xem như chẳng có gì đáng chú ý. Vì, ai nấy đều khẳng định vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là của đất nước Việt Nam nên họ vẫn “bình chân” mua sắm chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm cho phiên biển khơi xa nhiều ngày tới. 

“Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển truyền thống lâu đời của cha ông tui, cớ chi phải lo sợ trước lời nói hăm dọa của người ngoài”, ông Vinh quả quyết. Ông Vinh tâm sự rằng, gần 30 năm theo nghề biển xa bờ, ông luôn gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù nghề biển xa biết bao cơ cực, nguy hiểm rình rập; nhưng không có gì để lay chuyển, ngăn cản được ông và các ngư dân khác trong làng, trong xã vươn khơi đánh bắt hải sản.

Hiện nay, phần lớn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là ngư trường truyền thống mà hàng trăm năm qua, ngư dân Quảng Ngãi đã đổ xương máu, đạp sóng ra nơi này để đo đạc hải trình, dựng bia cắm mốc chủ quyền. Lớp cha trước, lớp con sau, nối tiếp ý chí và bước chân, giương buồm ra biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt cá, tôm… cũng là góp phần bảo vệ biên cương Tổ Quốc trên Biển Đông.

Trà Câu
.
.
.