Nghịch lý ngành khai khoáng: 200 mỏ chỉ thu được 4-5 tỉ đồng

Thứ Sáu, 04/12/2015, 09:44
Một số địa phương, điển hình như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt 4-5 tỉ đồng trong khi số lượng giấy phép khai thác còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. 

Mặc dù khoáng sản đang bị khai thác một cách ồ ạt tại hầu khắp các địa phương song ngân sách Nhà nước lại chẳng thu được bao nhiêu từ nguồn tài nguyên quốc gia. Một số địa phương, điển hình như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt 4-5 tỉ đồng trong khi số lượng giấy phép khai thác còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Thực tế này đã được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo tại hội thảo "Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách", diễn ra ngày 3-12.


Thất thu thuế vì quản lí kém

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193 ngàn tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn. Với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí chỉ là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm, vàng là 21 năm...

Được khai thác với quy mô lớn nhưng đóng góp cho ngân sách từ ngành khai khoáng lại rất hạn chế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách. Một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt 4-5 tỉ đồng trong khi số lượng giấy phép khai thác còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lí Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản vẫn cho rằng mức thuế suất hiện nay đối với khai thác khoáng sản là khá cao so với thế giới.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nguồn thu từ thuế tài nguyên vẫn chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu thuế quốc gia. Năm 2011, tổng thu từ thuế tài nguyên đạt 39.299 tỉ đồng, chiếm 5,4% tổng thu thuế. Đến năm 2014, thuế tài nguyên chỉ còn trên 38.000 tỉ đồng, chiếm 4,4%.

Khoáng sản khai thác ồ ạt nhưng ngân sách nhà nước thất thu (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: CTV

"Tài nguyên khoáng sản của chúng ta nhiều như thế, số lượng giấy phép lớn như thế, nhưng tiền thuế thu được lại không nhiều. Rõ ràng, cách quản lí của chúng ta có vấn đề. Cơ quan thuế chỉ quyết toán thuế theo hoá đơn, chứng từ. Chúng tôi không giám sát được sản lượng thực tế khai thác của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp khai không đúng, cơ quan tài nguyên môi trường cần phải vào cuộc để thanh, kiểm tra, được quyền ấn định sản lượng để thu thuế. Cơ quan tài nguyên môi trường đã cấp phép thì phải giám sát, không thể cấp phép xong rồi bỏ đấy", bà Mai nói. 

Khai khoáng là một trong những ngành có rủi ro thất thu ngân sách cao, chủ yếu là do khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép và quản lí thuế không hiệu quả. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước và thất thoát tài nguyên quốc gia.

Cấp phép tràn lan theo kiểu "chia phần"

Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, tiềm năng khoáng sản của Việt Nam không lớn như nhiều người nghĩ mà chỉ giống như "hàng xén chợ quê". Thế giới có hơn 200 loại khoáng sản nhưng Việt Nam chỉ có 60 loại, trong đó có 30 loại đã được thăm dò. Hiện nay, việc cấp phép khai thác đang được tiến hành tràn lan theo kiểu "chia phần" giữa các địa phương. "Trữ lượng đá vôi trắng chỉ có 171 triệu tấn nhưng dự báo tới 27 tỉ tấn để cấp phép cho 84 mỏ. Nhu cầu thị trường cũng bị các thương lái Trung Quốc đánh lừa.

Điển hình như, khu Formosa chỉ cần 1,44 triệu tấn đá vôi/năm nhưng các thương lái đẩy lên 43 triệu tấn/năm. Điều đó khiến cho Hà Tĩnh cấp phép cho khoảng 100 mỏ đá, riêng huyện Kỳ Anh có hơn 60 mỏ" – TS Sơn phân tích. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nguồn tài nguyên khoáng sản cũng đang bị tổn thất khối lượng lớn do công nghệ khai thác lạc hậu. Nếu vẫn tiếp tục khai thác như hiện nay, sau năm 2021, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoáng sản với khối lượng rất lớn, thậm chí lớn hơn khối lượng đã xuất khẩu trong những năm qua.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, Việt Nam chưa quản lí được việc cấp phép khoáng sản. "Các địa phương cấp phép theo tư duy của mình, bị chi phối bởi quan hệ lợi ích. Rủi ro về tham nhũng trong cấp phép khoáng sản là rất lớn. Việc phân cấp trong cấp phép cũng nhiều méo mó. Theo quy định, Trung ương cấp phép các mỏ lớn, địa phương cấp phép các mỏ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhiều địa phương cấp phép vượt quyền, tự ý chia nhỏ các mỏ ra để cấp phép" – GS Võ nói thêm.

Ngành khai khoáng đang thất thu thuế rất lớn. 

Thế giới hiện nay có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và quản lí hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 49 quốc gia trên thế giới thực thi EITI, trong đó có những quốc gia phát triển như Mĩ, Anh, Nauy... Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét việc thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Việt Nam vẫn chưa cam kết thực thi EITI dù nhu cầu cải cách trong lĩnh vực khoáng sản là rất lớn.

Khánh Vy
.
.
.