Nghịch lý chuyện cảng quá tải, cảng không hàng

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:34
Những năm qua, lượng hàng hóa XNK đóng container thông qua cảng Cát Lái luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong khối lượng hàng hóa XNK đóng container của cả nước. Chỉ cần nghỉ lễ, nghỉ Tết vài ngày là hàng hóa XNK đối mặt với nguy cơ dồn ứ tại cảng.

Do đó để giảm tải cho cảng Cát Lái, ngoài việc đưa vào khai thác một loạt cảng biển nước sâu như Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị chủ quản cảng Cát Lái cũng đã triển khai xây dựng thêm các cảng khác là Tân Cảng - Hiệp Phước (TCHP) ở huyện Nhà Bè; cảng cạn ICD ở Nhơn Trạch, Đồng Nai và mở điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa tại Tân Cảng - Hiệp Lực sát cạnh cảng Cát Lái.

Đồng thời đơn vị này còn đưa ra một loạt các ưu đãi để thu hút chủ tàu, chủ hàng từ Cát Lái về các cảng mới cũng như ưu đãi trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy với giá rẻ nhưng dường như vẫn chưa đủ sức kéo giãn hàng hóa tỏa về các cảng mới để giảm tải cho Cát Lái.

Cảng Cát Lái thường xuyên đối mặt với áp lực dồn ứ hàng hóa.

Cụ thể, ngay sau khi đưa TCHP vào hoạt động, để thu hút khách chuyển đến làm hàng tại TCHP, đơn vị chủ cảng đã áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển container rỗng từ Cát Lái đi TCHP để đóng hàng và xuất hàng tại TCHP. Sau đó những khách hàng có nhu cầu chở hàng quay ngược lại Cát Lái, chi phí vận chuyển bằng xà lan cũng chỉ có 660 ngàn đồng/container, gồm cả phí nâng hạ 2 đầu bến.

Mức phí nâng hạ bãi tại TCHP cũng được giảm một nửa, nhưng do ít hàng, lịch tàu vào làm hàng tại TCPH vẫn khá thưa vắng. Ở cảng cạn ICD Nhơn Trạch cũng vậy, dù có diện tích kho bãi lên tới 110 ngàn m² kèm theo các dịch vụ trọn gói về thủ tục hải quan, đóng rút hàng hóa, vận chuyển… thậm chí, để khuyến khích chủ hàng, hãng tàu giao nhận hàng hóa trực tiếp tại ICD Nhơn Trạch, từ giữa tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Uấn, Giám đốc Công ty CP đại lý GN-VT-XD Tân Cảng tiếp tục thông báo giảm 50% phí nâng hạ container tại bãi.

Từ cảng cạn này, phí vận chuyển một container hàng hóa về Cát Lái hoặc TCHP bằng xà lan và ngược lại cũng chỉ có 950 ngàn đồng với container 20 feet; container 40 feet là 1,45 triệu, gồm cả phí nâng hạ. Song hàng hóa dồn về Cát Lái vẫn chưa giảm là bao khi dự báo tăng trưởng năm nay tại cảng này tiếp tục ở mức 13%.

Với công suất khai thác đã đạt trên 4 triệu container năm và dự kiến năm nay sẽ đạt 4,3 triệu container, bình quân mỗi ngày vẫn có cả chục ngàn lượt xe đầu kéo chở hàng hóa ra vào cảng Cát Lái. Hàng hóa XNK dồn về cảng, tuyến đường ra vào cảng lại là độc đạo nên cũng không thể tránh khỏi tình trạng quá tải suốt những năm qua. Tình trạng xe container nối đuôi kéo dài hàng ki-lô-mét để nhích từng mét trên tuyến là chuyện thường ngày.

Khi hàng hóa vẫn tiếp tục dồn về cảng Cát Lái, thì chỉ với lý do để giải quyết ùn tắc tại nút giao MK trên xa lộ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt tính chuyện di dời cụm cảng cạn ICD Trường Thọ - nơi có tổng sản lượng làm hàng đạt tới con số 1,5 triệu container mỗi năm. Theo các DN trong cụm cảng cạn này, nếu đóng cửa, xóa sổ ICD Trường Thọ, sẽ xóa được điểm kẹt xe trên xa lộ Hà Nội. 

Tuy nhiên, khi không còn cụm cảng ICD Trường Thọ, thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các KCN - KCX trong khu vực tới các cảng biển và chiều ngược lại vẫn phải thực hiện. Cảng cạn này có lợi thế là nằm cách cảng Cát Lái 15km, cảng Cái Mép 60km, là điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa xuất khẩu từ các KCX, KCN phía đông TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo ông Trịnh Chính Sinh, Phó giám đốc cảng ICD Phước Long, hàng hóa tập kết về các cụm cảng ICD bằng đường bộ nhưng từ đây chuyển ra các cảng biển và ngược lại thì hầu hết đi bằng đường thủy nội địa. Việc vận chuyển bằng xà lan, loại nhỏ nhất cũng chở được 50 - 60 container, tương đương với ít nhất 30 xe container chạy trên đường. Tính bình quân, mỗi ngày các cảng trong ICD Trường Thọ vận chuyển được khoảng 3.000 container bằng xà lan, sẽ giảm được một lượng lớn xe chở container chạy trên đường.

Chưa cần nhắc đến quy hoạch của Bộ GTVT xác định năng lực làm hàng của cụm cảng ICD Trường Thọ sẽ đạt 3 triệu container vào năm 2020 và 3,6 triệu tấn vào năm 2030. Theo đại diện cảng ICD Trasimex, vận chuyển hàng hóa bằng xà lan chiếm ưu thế về giá cước.

Một xe chở container chạy từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu cước khoảng 6 triệu đồng, nhưng chở bằng xà lan cước chỉ khoảng 700 đồng, tiết kiệm chi phí không nhỏ cho chủ hàng. Hơn thế, vận chuyển hàng hóa từ các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai tới cảng Cái Mép khoảng 100km, còn tới ICD Trường Thọ chỉ mất khoảng 25km, chủ hàng đã được làm thủ tục thông quan nội địa, sau đó chuyển ra cảng lớn.

Để phát triển đồng bộ hạ tầng khu đô thị cảng Hiệp Phước, gần đây TP Hồ Chí Minh đã đề xuất TW cho phép DN Nhà nước là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận ứng 17.200 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị cảng này. Song khi đã đầu tư số tiền rất lớn để phát triển hạ tầng, TCHP đặt trong đó có thể thu hút được chủ tàu, đại lý tàu biển, chủ hàng về làm hàng tại đây để giảm tải cho Cát Lái hay không vẫn là câu chuyện khó khẳng định.

Đ.Thắng
.
.
.