Nghịch lí khai thác khoáng sản: Thiệt đơn thiệt kép

Thứ Bảy, 13/09/2014, 16:27
Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản đang trở thành định hướng và chiến lược cho công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, hiện nay ngành khai khoáng vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.

Việc cấp phép tràn lan, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát đã khiến cho không ít doanh nghiệp khai thác theo lối “ăn xổi”, vượt công suất cho phép, thậm chí ngang nhiên khai thác khi giấy phép hết hạn gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Trong khi tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt thì Nhà nước lại thất thu nguồn thuế lên tới hàng nghìn tỉ đồng do không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp.

Giấy phép hết hạn vẫn vô tư khai thác

Qua thanh tra, Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam đã phát hiện có 24 mỏ của 21 doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác, không làm thủ tục đóng cửa mỏ mặc dù giấy phép đã hết hạn. Sau khi có chỉ đạo của Tổng cục, đến nay mới có 3 giấy phép nộp hồ sơ đóng cửa mỏ; 3 giấy phép nộp hồ sơ xin gia hạn; 3 giấy phép nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép (do không đủ điều kiện gia hạn); 3 giấy phép chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ (có 2 giấy phép của Công ty TNHH MTV Than Hạ Long xin lùi thời hạn nộp hồ sơ nhưng không được chấp nhận). Ngoài ra vẫn còn 12/24 giấy phép hết hiệu lực của 12 đơn vị nhưng chưa có báo cáo. Tổng cục đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo kiểm tra và báo cáo về Tổng cục để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục mới chỉ nhận được báo cáo của 3/10 Sở Tài nguyên – Môi trường gửi về.

Khai thác thiếc tại mỏ thiếc Tĩnh Túc

Không chỉ khai thác “chui”, không ít doanh nghiệp lớn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực khoáng sản cũng bị phát hiện khai thác vượt quá công suất cho phép, điển hình như Công ty TNHH Mạo Khê vượt trên 883.000 tấn, Công ty TNHH Hòn Gai vượt trên 649.000 tấn…Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Địa chất – Khoáng sản thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp khai thác vượt quá công suất quy định trong giấy phép. Song do số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều và trải rộng trên toàn quốc, kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra lại ít nên số lượng đơn vị được thanh tra, kiểm tra hằng năm không nhiều. Điển hình như năm 2013, cả nước có 496 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực trong khi chỉ thanh tra, kiểm tra được 114 đơn vị, trong đó chỉ có 6 đơn vị thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, có nhiều trường hợp vi phạm về vượt công suất khai thác nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ mức răn đe. Qua công tác thanh tra, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác vượt quá công suất quy định của một số đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Trong những tháng đầu năm 2014, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 1 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản 1996 có hiệu lực tại 6 tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên) và 2 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng của 16 tổ chức tại 3 tỉnh (Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi). Đơn vị thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 2 tỉ 536 triệu đồng.

Khai thác titan tại Quảng Nam.

Nhà nước thất thu thuế, tài nguyên rơi vào nhà đầu tư ngoại

Hiện nay, lỗ hổng lớn trong hoạt động khai thác khoáng sản chính là việc Nhà nước thất thu thuế tài nguyên. Nguyên nhân là việc thu thuế vẫn được tiến hành dựa trên sản lượng khai báo của doanh nghiệp trong khi lại không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp khai gian trữ lượng để trốn thuế, phí. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, việc để doanh nghiệp tự khai báo trữ lượng là rất văn minh, hầu hết các nước tiên tiến đều làm vậy, tuy  nhiên ý thức tự giác, minh bạch của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thì cho rằng, việc doanh nghiệp tìm cách trốn thuế xuất phát từ chỗ thuế tài nguyên tăng cao. “Trước đây, thuế tài nguyên và phí môi trường còn thấp, giờ tăng cao quá khiến nhiều doanh nghiệp không còn kinh phí để nộp”, ông Quân nói. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng cho rằng, trong hoạt động khai khoáng, chi phí đầu tư thường rất lớn trong khi rất nhiều doanh nghiệp làm mỏ không có đủ tiềm lực tài chính.

Cao Bằng là một trong những địa phương được đánh giá là giàu tài nguyên nhất ở vùng Đông Bắc, đặc biệt là quặng và vàng. Theo Cục Thuế tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 11-8-2014, trên địa bàn còn có 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền gần 26 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng nợ gần 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản barit và chì nợ gần 6,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghiệp Mangan Cao Bằng nợ gần 5,7 tỷ đồng…

Việc Tập đoàn Besra (Canada) đóng cửa mỏ vàng lớn nhất Việt Nam sau khi đã khai thác hơn 4.400 tấn vàng và vẫn không chịu đóng gần 300 tỉ đồng tiền thuế đã cho thấy thực trạng đáng buồn là khoáng sản – tài nguyên quốc gia đang bị “hô biến” thành ngoại tệ “chảy” sang nước ngoài. Doanh nghiệp ngoại phù phép, chuyển giá để trốn thuế, Nhà nước thất thu nguồn thuế hàng nghìn tỉ đồng, người dân phải gánh chịu đói nghèo, ô nhiễm môi trường…

Trước câu hỏi của PV Báo CAND về việc có hạn chế cấp phép khai thác cho nhà đầu tư ngoại để hạn chế tình trạng “chảy máu” khoáng sản hay không, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài không bị hạn chế. Chính sách của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường để khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả khoáng sản, đồng thời gắn khai thác với chế biến sâu nhằm tăng giá trị khoáng sản. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “chảy máu” tài nguyên, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài thì cần nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các công cụ pháp luật đủ mạnh để hạn chế tình trạng nâng khống giá trị đầu tư, chuyển giá và gian lận thương mại trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản

Khánh Vy
.
.
.