Nghi án chuyển giá sữa: Thiệt hại “đổ đầu” người tiêu dùng

Thứ Hai, 03/11/2014, 08:26
Với việc giá sữa nguyên liệu giảm sâu như hiện nay, đáng lẽ giá sữa cũng giảm tương ứng, nhưng nhờ áp trần, DN chỉ việc thực hiện đúng giá trần, giảm một mức nhất định từ 0,3-34% giá thành (số liệu công bố của Bộ Tài chính), và ung dung ngồi hưởng lợi phần chênh còn lại vì đã được hợp thức hóa. Nhờ kẽ hở này, DN bỏ túi cả trăm tỷ đồng, cũng là thiệt hại mà người tiêu dùng đang gánh chịu. Như vậy, liệu việc áp trần có tạo kẽ hở cho DN hưởng lợi, và khi tính toán áp trần, Bộ Tài chính đã tính toán đến tình huống này?

Trong khi giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) thể hiện tại tờ khải hải quan lại tiếp tục tăng. Thế nên câu chuyện giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá sữa trong nước không giảm đang trở thành một nghịch lý. Nghi án chuyển giá lại đặt ra hơn bao giờ hết.

“Ông nói gà, bà nói vịt”

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới ngày 27/10 đã giảm nhưng giá sữa trong nước vẫn ở mức cao. Cụ thể, tháng 10/2014, giá sữa bột gầy tại thị trường châu Âu giảm 3,3% so với tháng trước, xuống còn 2.135 eur/tấn.

Tại các thị trường Tây Âu, Australia, sữa bột gầy giảm giá khoảng 550-1.075 USD/tấn, sữa bột nguyên kem giảm 150-925 USD/tấn. Trước đó, thông tin giá sữa nguyên liệu giảm hơn 50% đã được nhiều đơn vị xác nhận. Trong đó, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, giá nguyên liệu sữa giảm hơn 50% là so với thời điểm tháng 9/2013 (khi giá sữa nguyên liệu thế giới biến động, tăng liên tục). Còn từ tháng 6/2014 đến nay, giá sữa nguyên liệu chỉ giảm 15%-20%.

Một thông tin khác khẳng định giá sữa giảm là tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức chiều 9/10, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tính từ tháng 6/2014, qua theo dõi và tham khảo trên thị trường thế giới cho thấy, giá sữa nguyên liệu (nguyên kem, sữa gầy) có điều chỉnh giảm khoảng 15%. Với các mặt hàng sữa thành phẩm nhập khẩu nguyên hộp thì chưa giảm.

Như vậy, thông tin sữa nguyên liệu giảm giá là có thực, và đã được ít nhất 3 cơ quan, đơn vị chức năng xác nhận. Tuy nhiên, kết quả từ cuộc rà soát mới đây nhất của Cục Quản lý giá phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện lại hoàn toàn ngược lại. Cụ thể, kết quả rà soát từ Tổng cục Hải quan cho thấy, có duy nhất mặt hàng bột sữa nguyên kem – nguyên liệu chế biến sữa giảm 2,57% so với thời điểm trước khi thực hiện bình ổn giá.

Các mặt hàng nguyên liệu sữa còn lại tăng từ 0,48% đến 19,52%, tùy loại. Trong đó, nguyên liệu bột lactosse giá không đổi, bột sữa gầy chưa pha thêm đường và chất ngọt khác – nguyên liệu trực tiếp sản xuất sữa tăng 1,45%. Bột váng sữa cao đạm - nguyên liệu trực tiếp sản xuất sữa tăng mạnh nhất với 19,52%. Sữa bột gầy có hàm lượng chất béo không quá 1,5% tính theo trọng lượng, chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác tăng 4,47% và nguyên phụ liệu dùng trong sản xuất sản phẩm sữa – dầu bơ khan tăng 0,48%.

Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm, sữa trong nước vẫn "lờ" giảm giá. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Quản lý giá, các mặt hàng nguyên liệu được kiểm tra nói trên đều là các nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất sữa bột thành phẩm cho trẻ em dưới 6 tuổi của các DN sản xuất trong nước. Theo quy định hiện hành, nguyên liệu sữa không phải là mặt hàng bình ổn giá. Hơn nữa, đây chỉ là giá chào trên thế giới cho các hợp đồng trong tương lai. Trong khi đó, 6 công ty nhập khẩu thành phẩm, gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu HP Việt Nam, đều khai báo mức giá nhập khẩu các sản phẩm sữa thành phẩm từ tháng 6 đến tháng 9 không thay đổi.

Sa không gim, 10 triu tr em ung sa chu thit

Với số liệu từ tờ khai hải quan không giảm, thậm chí tăng, nên cho đến thời điểm này, chưa có DN nào gửi đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa. Từ phía Cục Quản lý giá, phân tích về tác động của giá sữa thành phẩm giảm, ông Truyền cho rằng: “Nhà nước chỉ thực hiện việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mặt hàng này thuộc dạng sữa công thức, trong đó có rất nhiều thành phần. Sữa nguyên liệu chỉ là một trong những thành phần nên việc giảm giá nguyên liệu chắc chắn cũng sẽ tác động tới giá thành sản phẩm”.

Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm, sữa trong nước vẫn "lờ" giảm giá.

Và “Giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết định của DN. Khi DN điều chỉnh tăng hoặc giảm sẽ gửi kê khai, đăng ký cho cho cơ quan quản lý. Hiện nay, chưa có DN nào gửi đăng ký điều chỉnh giá. Việc giá sữa nguyên liệu giảm đã được chúng tôi ghi nhận và tiếp tục theo dõi”, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.

Cũng theo thông tin từ Cục Quản lý giá, hiện đã có 552 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được cơ quan quản lý công bố giá tối đa và giá đăng ký. Trong đó có 165 sản phẩm do Bộ Tài chính công bố, 387 sản phẩm do Sở Tài chính các tỉnh, thành phố công bố. Mức giá bán lẻ sữa ổn định trên thị trường và giảm từ 0,1- 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa. Sau khi hết thời hạn đăng ký giá theo quy định tại Quyết định 1079/QĐ-BTC (hết ngày 30/11/2014), từ ngày 1/12/2014, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ thực hiện việc kê khai giá, thay vì đăng ký giá như hiện hành. Việc thực hiện đăng ký giá và kê khai giá về cơ bản sẽ không có sự khác biệt lớn.

Như vậy, câu chuyện một bên nói giảm, một bên nói tăng đang có sự mâu thuẫn với nhau. Liệu bên nào nói đúng, khi mà nhìn vào thực tế, bên nói tăng là các DN lại đang trực tiếp hưởng lợi, hoặc ít nhất là không bị ảnh hưởng từ việc giữ giá sữa bán lẻ trong nước. Còn bên nói giảm, dù là cơ quan chức năng, nhưng nếu so với 10 triệu trẻ em đang uống sữa phải mua với giá đắt, thì dường như quyền lợi không bị đụng chạm gì. Vậy chuyện gì đang diễn ra trên thị trường sữa? Thông tin từ cơ quan chức năng hay DN đúng? Tại sao lại có sự trái chiều khó hiểu này? Nhiều chuyên gia ngành giá cho rằng đây là điều bất thường, và sự bất thường này có dấu hiệu của sự chuyển giá đối với mặt hàng sữa.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, với việc giá sữa nguyên liệu giảm sâu như hiện nay, đáng lẽ giá sữa cũng giảm tương ứng, nhưng nhờ áp trần, DN chỉ việc thực hiện đúng giá trần, giảm một mức nhất định từ 0,3-34% giá thành (số liệu công bố của Bộ Tài chính), và ung dung ngồi hưởng lợi phần chênh còn lại vì đã được hợp thức hóa. Nhờ kẽ hở này, DN bỏ túi cả trăm tỷ đồng, cũng là thiệt hại mà người tiêu dùng đang gánh chịu. Như vậy, liệu việc áp trần có tạo kẽ hở cho DN hưởng lợi, và khi tính toán áp trần, Bộ Tài chính đã tính toán đến tình huống này? Trong khi đang chờ đợi thông tin chính xác cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt hại

Lệ Thúy
.
.
.