Ngành thuỷ sản đang gặp nhiều rủi ro

Thứ Bảy, 07/05/2005, 07:13
Sau hàng loạt rủi ro với nhiều lô hàng cá da trơn bị thị trường châu Âu, Canada từ chối và cảnh báo vì nhiễm chất có khả năng gây hại cho sức khỏe, tại thị trường Mỹ, một loại thuế mới được áp dụng gọi là "bảo hiểm thanh toán thuế".

Trước sự cố nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu đã tiến hành thanh tra để đánh giá lại điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh (ATVS) sản xuất thủy sản trong nước như: Kiểm tra các vùng nuôi, sản xuất nguyên liệu, cơ sở chế biến và phòng kiểm nghiệm sản phẩm.

Theo chỉ đạo của Bộ Thủy sản, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường việc kiểm soát dịch bệnh, chất lượng an toàn VSTP từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trước sự chỉ đạo kiên quyết này, nhiều ao, bè nuôi cá đã đến thời điểm thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì các doanh nghiệp thu mua không chấp nhận sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm phát hiện có dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Anh Nguyễn Văn An (quận Tân Phú - Tp. Hồ Chí Minh) bức xúc: Mấy năm trước đây nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu có lãi lớn nên gia đình anh bán hết ruộng đất ở Tp. Hồ Chí Minh về An Giang đầu tư nuôi cá. Từ một bè cá ban đầu, đến nay anh đã gầy dựng được 4 bè, sản lượng ước khoảng 70 tấn/bè.

Do ảnh hưởng các lô hàng bị thị trường xuất khẩu trả về, giá thu mua trong nước cũng giảm mạnh: 11.500đ/kg với điều kiện cá phải hơn 1,2 kg. Như vậy, "doanh thu" từ mỗi bè cá của anh đạt khoảng 800 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài mức thuế "chống bán phá giá", mới đây Hải quan Mỹ đã áp dụng một mức thuế khác buộc các nhà nhập khẩu tôm phải đóng gọi là "bảo hiểm thanh toán thuế". Khoản phí này giống như "tiền ký quỹ" của các doanh nghiệp nhập khẩu, được tạm tính tương ứng bằng mức "thuế chống bán phá giá" (trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam là 4,58%), nhân với tổng lượng hàng nhập khẩu trong một năm.

Như vậy, muốn nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ với sản lượng bằng năm 2004 (kim ngạch khoảng 420 triệu USD) thì với mức thuế 4,58%, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức thuế tương đương 20 triệu USD (phải đóng liên tục trong 3 năm mới được giải ngân).

Tuy nhiên, với cách tính trên, các doanh nghiệp trong nước rất lo lắng vì khả năng rủi ro quá lớn. Đây chỉ là mức thuế tạm tính là 4,58%, nhưng đến khi mức thuế chính thức được tính cao hơn (chẳng hạn 10%) thì các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có nước… phá sản.

Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã chuyển sang khai thác thị trường tiềm năng, Nhật hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nắm được diễn biến thị trường, tôm Việt Nam tại thị trường Nhật, bị ép rớt giá thê thảm (giảm khoảng 15%), và đẩy giá thu mua trong nước giảm theo 10.000 - 15.000đ/kg, người nuôi tôm lại tiếp tục lâm vào cảnh khốn đốn.

Để giúp nông dân đảm bảo kiến thức trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời tránh được những rủi ro trên thị trường xuất khẩu, người nông dân rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc dự báo thị trường, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật cho người nuôi để tránh những sai sót như lấy mẫu nước tự nhiên để phân tích trước khi xả nước vào ao nuôi; cải tạo ao hồ; kiểm định con giống, mật độ thả nuôi… và có sự giám sát thường xuyên của cán bộ kỹ thuật để xử lý những biến cố tại các vùng nguyên liệu

T.Hà
.
.
.