Ngành dệt may Việt Nam: Tìm cách vượt rào

Thứ Sáu, 13/05/2005, 08:12
Tốc độ xuất khẩu tăng vượt bậc của hàng dệt may Trung Quốc đang kìm hãm sự phát triển hàng dệt may của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có “cửa” vào thị trường thế giới.

Tại thị trường Mỹ, nhiều mặt hàng dệt may của Việt Nam được ưa chuộng, nhưng gặp phải rào cản khó khăn về hạn ngạch nên sức cạnh tranh còn rất yếu. Còn tại EU, thị trường này đã áp dụng miễn giảm thuế cho các nước bị ảnh hưởng sóng thần, trong khi hàng dệt may Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu 12%.

Trước tình hình đó, giải pháp hữu hiệu nhất khi hàng dệt may Việt Nam vào thị trường thế giới là mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cho mình một mặt hàng chuyên biệt. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp khác nếu thấy mình còn yếu… Như Công ty TNHH may mặc Tân Châu, liên kết với một số công ty: Phương Nam, Sao Mai, Việt Hưng, Cao Hoa, Hân Mao và cơ sở may Trường Tín, vừa quảng bá thị trường nội, vừa đẩy mạnh khai thác quota xuất khẩu.

Hiện, Công ty Tân Châu cùng một số công ty liên kết đã có khách hàng lớn tại Mỹ, được chứng nhận là nhà cung cấp chính các sản phẩm may mặc phân phối vào hệ thống siêu thị Mỹ…

Tận dụng những "lỗ hổng" chưa khai thác của các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác các đơn hàng nhỏ lẻ, có chất lượng cao, rất phù hợp với thị trường Nhật.

Ngoài ra, tại thị trường Mỹ và EU, mặc dù hàng Trung Quốc chiếm đa số nhưng hai thị trường này không chịu phụ thuộc vào một khách hàng và người tiêu dùng cũng đang có tư tưởng nhàm chán hàng Trung Quốc, nên đây là cơ hội rất thuận lợi cho hàng dệt may Việt Nam.

Hiện tại, EU áp dụng các biện pháp để giới hạn số lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; Bộ Thương mại Mỹ cũng có một số thủ tục để bảo hộ hàng dệt may trong nước và tiến hành điều tra một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong số những mặt hàng đang điều tra, có những mặt hàng cùng mã hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường Mỹ đánh giá cao như các cat (mã hàng) 347 - 348 (quần nam nữ chất liệu bông); cat  647 - 648 (quần nam nữ chất liệu sợi nhân tạo), cat 338 - 339 (áo sơ mi dệt kim nam nữ chất liệu bông)…

Như vậy, nếu Mỹ cấm vận một số mã hàng trên của Trung Quốc thì rất có khả năng, Mỹ sẽ chọn Việt Nam để thay thế

T. Hà
.
.
.