Ngân sách eo hẹp, Quốc hội chưa tính việc tăng lương năm 2015

Thứ Sáu, 10/10/2014, 09:54
Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Tại phiên họp UBTV Quốc hội ngày 9/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng - an ninh để giữ vững chủ quyền và tăng chi trả nợ. Khi thảo luận, một số ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính. Tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Trong cơ cấu chi ngân sách hiện nay, đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển.

Việc tăng lương cơ bản thường được Chính phủ đề cập và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Theo lộ trình, mỗi năm có một lần tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, năm 2014 do kinh tế khó khăn nên lộ trình này đành gác lại. Nếu 2015 vẫn không tăng thì sẽ là hai năm liên tiếp không tăng lương tối thiểu. Hiện mức lương tối thiểu áp dụng từ năm 2013 tới nay là 1,15 triệu đồng.  

Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trình UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, 9 tháng đầu năm kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng 5,62% cao hơn cùng kì năm 2013 với mức 5,14%. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo chỉ tiêu phát triển ước đạt trên 5,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), cao hơn mức 5,8% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.  Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 với kì vọng đạt mức cao hơn, dự kiến GDP phấn đấu tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, bội chi ngân sách so với GDP khoảng 5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nền kinh tế cơ bản thực hiện đạt và vượt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra... Giai đoạn 2011 - 2015, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, dự báo sẽ có 6 chỉ tiêu không đạt bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, tạo việc làm, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ tiêu về bội thu ngân sách so với GDP. Trong kế hoạch phát triển kinh tế cũng như huy động vốn từ thuế và phí có xu hướng giảm dần qua các năm. Về dự toán thu - chi ngân sách năm 2014, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dù nguồn thu năm 2015 được đề ra cao hơn năm 2014 nhưng thực tế số doanh nghiệp kê khai lỗ, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng lên; nợ xấu có xu hướng quay trở lại, tăng trưởng một số ngành là có nhưng thu thuế đạt thấp. Nếu không làm rõ mức thu năm 2014 sẽ không có cơ sở làm quyết định cho việc tăng chi trong năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, mặc dù các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện song những tồn tại cần khắc phục còn nhiều, cơ cấu kinh tế chưa thực tốt, năng suất lao động, sức cạnh tranh còn thấp. Trước mắt chưa thể yên tâm với việc khống chế mức lạm phát đề ra trong khi nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, mô hình kinh tế với những sản phẩm chủ lực vẫn kém. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tính toán lại tỉ lệ thu - chi ngân sách. Trong đó tăng chỉ tiêu thu - chi ngân sách theo tinh thần tiết kiệm, cân bằng thu chi theo thế chủ động, tăng tích lũy tiêu dùng cho đầu tư, dự phòng dự trữ với cơ cấu chi ngân sách Nhà nước 30% cho phát triển, 50% cho đầu tư và 20% để trả nợ và dành cho tích lũy. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn phải chú trọng đến chất lượng, trong đó, cần phân tích sâu hơn các yếu tố trong phát triển kinh tế với bài toán về việc phát triển bền vững

M.Đ.
.
.
.