Ngân hàng với động thái “lạ”: Giảm lãi suất huy động

Thứ Ba, 21/08/2007, 12:24
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã cắt giảm lãi suất huy động đầu vào. Động thái này được đánh giá là đang đi ngược với cả vĩ mô lẫn vi mô.

Vĩ mô nói ở đây là quan hệ cân đối kinh tế ở tầm quốc gia, quan hệ giữa tiền và hàng, giữa tăng trưởng và lạm phát (hai đỉnh quan trọng nhất trong tứ giác mục tiêu của mọi quốc gia: tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, cán cân thanh toán).

Vi mô nói ở đây là quan hệ giữa cá nhân người gửi tiền và ngân hàng thương mại (người vay tiền). So với các năm trước, việc hạ lãi suất huy động của các NHTM lần này có một số đặc điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng đã đi ngược với chiều hướng của các năm trước. Năm 2004, bắt đầu từ tháng 5, giá tiêu dùng tăng khá cao và tính chung cả năm tăng tới 9,5% - vượt xa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (7,79%), cao hơn nhiều so với lãi suất huy động của các NHTM.

Do thiếu vốn khả dụng, nên từ năm 2005, lãi suất huy động của các NHTM đã được tăng lên; giá tiêu dùng năm đó cũng đã tăng tới 8,4%, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế (8,44%) và vẫn còn cao hơn lãi suất huy động của các NHTM.

Năm 2006, không những tiếp tục giữ mức lãi suất như năm 2005, nhiều NHTM còn đưa ra các chiêu khuyến mãi nhằm tăng sức cạnh tranh; cả năm giá tiêu dùng tăng 6,6%, thấp hơn hai năm trước và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (8,17%).

Năm 2007, giá tiêu dùng 7 tháng đã tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,19% so với 4,4%) và có khả năng tăng cao hơn năm trước, thậm chí có thể tăng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi đó, các NHTM lại giảm lãi suất huy động!

Thứ hai, tỷ lệ lãi suất giảm khá mạnh. Tính trung bình và tính theo năm, mức giảm lãi suất huy động của các ngân hàng vào khoảng trên dưới 0,5%, có những NHTM còn giảm với mức cao hơn, lên đến trên dưới 1%

Thứ ba, giảm nhiều và giảm mạnh tập trung ở các NHTM cổ phần.

Có thể lý giải tình hình này bằng nhiều nguyên nhân. Có thể do lãi suất huy động ở các NHTM cổ phần vốn đã cao hơn so với các NHTM quốc doanh, nên dù có hạ xuống, thì vẫn còn bằng hoặc cao hơn.

Cũng có thể do các NHTM cổ phần thời gian trước đây thường thành lập công ty chứng khoán, cho vay đầu tư chứng khoán với tỷ lệ vượt 3% tổng dư nợ tín dụng, nay không được cho vay thêm, nên phải thu hồi lượng tiền vượt quá trên theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Và còn có một nguyên nhân chung, đó là cũng như các NHTM khác, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc phải tăng gấp đôi theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM cổ phần không thể nâng cao lãi suất cho vay, vì như thế sẽ giảm hiệu quả và sức cạnh tranh (vốn đã không cao của các doanh nghiệp), nên đã phải sử dụng phương pháp ép lãi suất huy động xuống, trong điều kiện vốn khả dụng đang dư dật.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân giá cổ phiếu của các NHTM cổ phần trước đây đã từng được coi là “món hàng nóng” ở thị trường chứng khoán, nhất là trên thị trường OTC, nay đã rớt giá gần như không phanh (ngân hàng lớn mất 30-40%, ngân hàng nhỏ mất tới 40-50% so với đầu năm). Không những thế lại còn bị “đóng băng”, khó giao dịch, chuyển nhượng.

Thứ tư, ngược với chủ trương và giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ (vĩ mô). Chính phủ đưa ra các giải pháp chung về tăng lượng hàng (bằng sản xuất, giảm thuế suất thuế nhập khẩu để tăng lượng và giảm giá nhập khẩu), về quản lý giá, về tài chính - tiền tệ..., nhưng hữu hiệu nhất là phải “hút” tiền từ lưu thông về ngân hàng.

Nếu hạ lãi suất thì không những lượng tiền thu hút về ngân hàng giảm, mà còn làm tăng việc rút tiết kiệm đến hạn từ ngân hàng ra lưu thông!

Theo Minh Nhung (Đầu tư)
.
.
.