Hai tuần sau khi hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay:

Ngân hàng thừa vốn, DN vẫn khó vay vốn lãi suất thấp

Thứ Năm, 11/04/2013, 08:49
Đã hai tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định đưa trần lãi suất huy động các khoản tiền gửi ngắn hạn về 7,5%, và hạ lãi suất cho vay một số lĩnh vực, ngành kinh tế xuống 11%, thay vì mức 12% như trước đây, thị trường hầu như không có nhiều biến động: ngân hàng (NH) vẫn thừa vốn trong khi doanh nghiệp (DN) phản ánh không tiếp cận được vốn.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tại thời điểm hiện tại, mức lãi suất phổ biến mà các NH cho DN vay vẫn nằm trong khoảng 14-16%/năm và 11-12%/năm đối với các DN thuộc diện được ưu tiên theo đánh giá của NH. Bà Đinh Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ cho biết: Hầu hết các DN trong Hiệp hội đều chưa tiếp cận được với mức lãi suất cho vay mới. Lý do mà các NH đưa ra để giải thích về việc lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay là do độ trễ của chính sách.

Đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ thì cho rằng: Với trần lãi suất huy động 7,5%/năm, cộng với biên độ giao động khoảng trên dưới 5%, mức lãi suất phổ biến được các NH áp dụng trong thời gian tới sẽ vào khoảng 11-12%. Riêng với các DN được NH đánh giá là tốt, thuộc diện ưu tiên của NH có thể nằm ở mức 9%/năm. Đây được xem là mức lãi suất hợp lý, đúng với kỳ vọng của DN. Tuy nhiên, hiện đang xảy ra một nghịch lý là số các DN ít rủi ro, được NH ưu ái thường không dùng hết tiền có thể vay được, nên không có nhu cầu vay.

Nhiều doanh nghiệp vẫn “sợ” vay vốn. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Trong khi đó, các DN khó khăn, gặp ít nhiều rủi ro, muốn vay vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn, thì lại không thể tiếp cận, vì không đáp ứng đủ các điều kiện mà NH đưa ra. Do đó, việc giảm lãi suất trên thực tế cũng bị mất đi nhiều ý nghĩa.

Về phía NH, khi nói về chuẩn tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: "NH sẵn sàng cho vay với lãi suất 7-7,5%/năm, chấp nhận hòa hoặc lỗ một chút để giữ khách hàng vay và giữ chân tiền gửi, nhưng phải đảm bảo chuẩn tín dụng, dứt khoát không hạ chuẩn tín dụng".

Theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 0,5-0,25%, nhưng từ tháng 4/2013 các NH phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ với DN và nền kinh tế. Thống đốc cũng chỉ đạo các TCTD phải có chương trình giảm lãi suất cho vay mới từ tháng 4/2013 và kéo giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 13%/năm. Được biết, lãi suất cho vay hiện đã xuống rất mạnh và các món vay 11-12% năm hiện đã phổ biến, tuy vẫn còn những khoản vay có lãi suất trên 15%/năm, nhưng không đáng kể trên thị trường.

Theo TS Vũ Đình Ánh, để giảm lãi suất huy động, có nhiều điều kiện, song điều kiện tiên quyết là kiềm chế và kiểm soát được lạm phát. Quý I, lạm phát tính theo năm dao động ở mức 6,6- 7%. Với mục tiêu lạm phát duy trì ở 6-6,5% như yêu cầu của Quốc hội, ông Ánh cho rằng, điều kiện để kéo giảm lãi suất huy động xuống khoảng 7%/năm là có. Mới đây, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế quý I/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, lực cầu yếu, tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ giá ổn định… những yếu tố này sẽ tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%.

PV

Huyền Thanh - Lệ Thúy
.
.
.