Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất để “cứu” DN

Thứ Năm, 08/09/2011, 09:27
Để chia sẻ và giảm thiểu khó khăn cho DN, các NHTM đã đồng thuận kéo lãi suất cho vay về 17 - 19%/năm theo đúng chỉ thị của Thống đốc NHNN.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 tháng đầu năm 2011, có tới 44% doanh nghiệp (DN) có tỷ suất lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm bị giảm; 64% DN cắt giảm dự án; 3,67% DN phải thu hẹp sản xuất; hầu hết các DN đều gặp khó khăn về tiếp cận vốn và lãi suất.

Nguyên nhân chính gây nên những bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, là do tình hình kinh tế trong nước và thế giới bất ổn, lạm phát cao. Thêm vào đó, các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng, giá nguyên liệu và đặc biệt là lãi suất biến động theo xu hướng tăng liên tục, đã làm cho tình trạng khó khăn của DN thêm trầm trọng.

Hơn 3.000 DN tuyên bố giải thể trong 6 tháng đầu năm

Theo con số mà VCCI vừa công bố thì tính đến cuối tháng 7/2011, cả nước có 579.737 DN đăng ký hoạt động theo Luật DN. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, cả nước có thêm 42,365 ngàn DN được thành lập với số vốn đăng ký ước đạt trên 230.200 tỷ đồng, bằng 95,3% số lượng DN đăng ký mới và 87,2% số vốn so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, số lượng DN tồn tại pháp lý là 522.237, số DN chính thức giải thể là 75.500. Riêng trong 6 tháng đầu năm có 3.033 DN chính thức tuyên bố giải thể. Báo cáo của một số địa phương cho biết tỷ lệ DN dừng hoạt động, phá sản, giải thể tăng gấp đôi so với năm 2010.

Tại Hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” do VCCI và Cổng thông tin ngân hàng tổ chức tại Hà Nội chiều 6-9, các chuyên gia kinh tế cũng như đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM) và các DN tham dự đều cho rằng khó khăn của các DN hiện nay là chuyện hoàn toàn có thật.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh còn dẫn lời một giám đốc NHTM cho rằng: “Nếu DN Việt Nam nói khó khăn, tức là đang rất khó khăn, nếu nói rất khó khăn tức là đang cực kỳ khó khăn, có thể sắp sửa phải phá sản”.

Nhiều NHTM giảm lãi suất cho DN xuất khẩu và phục vụ nông nghiệp với 17-19%/năm.

TS.Vũ Đình Ánh còn dẫn ra một câu chuyện về một DN mà ông quen biết đã phải vay NH với lãi suất trên 30% chỉ vì DN không còn tài sản để thế chấp. Mặc dù giá vay vốn trên là “cắt cổ”, nhưng nếu so với lãi suất “chợ đen” thì vẫn còn “dễ thở” hơn nhiều. Việc DN phải vay NH với lãi suất cao, khi không còn tài sản để thế chấp như trường hợp trên cũng được các DN có mặt tại Hội thảo xác nhận là hoàn toàn đúng.

Tương tự, giám đốc một NHTM tại Hà Nội cũng cho biết: Hiện 70% DN khó khăn và 30% trong số đó là rất khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng DN. Nguyên nhân căn bản vẫn là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung hoạt động của DN và cơ cấu vốn quá mong manh. DN tư có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động là 15-20% và DNNN chỉ là 10%. Hơn 60% DN lấy quá nhiều vốn ngắn hạn để đầu tư cho dài hạn, đa số DN có đầu tư ra ngoài ngành và có đến 90% DN dính dáng đến bất động sản. Do chỉ có 60% vốn của DN phục vụ cho hoạt động chính, khi lãi suất đến 20% thì mức lãi phải trả là cho 100% khoản vay trong khi chỉ có 60% vốn là sử dụng hiệu quả, nên lãi suất DN phải gánh trên thực tế đến 30%.

Một con số khác mà chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra tại Hội thảo cũng cho thấy, hiện các DN đang gánh phí lãi vay quá cao, khoảng 20 - 23%, thậm chí có ngành lên tới 25% đã khiến cho tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của DN giảm mạnh so với cùng kỳ các năm 2009 và 2010. Trong đó, DN bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do lãi suất cho vay trung bình của lĩnh vực này có thời điểm lên tới 25% .

Ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất để “cứu” DN

Trong buổi làm việc giữa NHNN với các NHTM lớn vào cuối tháng 8/2011, và đặc biệt là trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng các tháng cuối năm 2011 vào ngày 7/9, các NHTM đã đồng thuận trong việc đưa ra cam kết sẽ kéo lãi suất cho vay xuống 17-19% năm. Và thực tế thì ngay từ những ngày đầu tháng 9/2011, những cam kết trên đã được một số NHTM thực thi, thông qua các chương trình hỗ trợ lãi suất cho DN xuất khẩu và DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tính đến thời điểm 7/9, đã có gần 10 NHTM lớn nhỏ khác nhau tham gia vào các chương trình này, trong đó có thể kể đến Eximbank, Techcombank, Vietcombank, SHB, BIDV, SEAbank, VPbank, MaritimeBank… với lãi suất cho vay tối thiểu 17% và tối đa là 20%/năm. Trong đó, ưu tiên cho các DN bổ sung vốn mua nông sản, lương thực, thủy sản; hỗ trợ vốn cho sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi; các DN sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ trọn gói tại các NH.

Theo đại diện của Ngân hàng SEAbank, với việc kéo lãi suất cho vay xuống từ 17-19/năm như hiện nay,  việc các NHTM bị lỗ trong khoảng từ 1 - 3 tháng đầu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Song các NH vẫn phải làm, vì suy cho cùng DN có “sống khỏe” thì NH mới “phát triển” bền vững được. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN thuộc diện được vay vốn, thì lãi suất trên thực tế mới chỉ thực giảm ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng. Các DN này đều kỳ vọng, nếu các NH tiếp tục giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài hơn, thì DN sẽ hào hứng hơn với việc vay vốn để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Rõ ràng việc các NHTM đồng thuận giảm lãi suất để chia sẻ với DN, trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay là một lựa chọn đúng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh lại cho rằng: Hạ lãi suất vẫn chưa đủ để cứu DN, bởi ngoài chuyện lãi suất cao, thì điểm “yếu” nhất của DN hiện nay vẫn là vốn sở hữu quá mỏng và cơ cấu đầu tư vốn còn tràn lan, dẫn đến hiệu quả kém. Vì thế, để có thể sống khỏe và phát triển bền vững, một trong những điều cốt yếu mà DN cần phải làm ngay là tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh và cân đối lại giữa vốn sở hữu và vốn đi vay

Huyền Thanh
.
.
.