Ngân hàng có vô can trong vụ lừa sổ đỏ để vay tiền?

Thứ Hai, 22/12/2008, 14:49

Trong loạt bài phản ánh về việc lừa chiếm đoạt sổ đỏ đăng trên Báo CAND gần đây, chúng tôi đã đề cập đến tình trạng một số đối tượng trung gian sau khi được chủ tài sản giao sổ đỏ, làm hợp đồng ủy quyền đã đem những giấy tờ này ra vay tiền ngân hàng. Đến khi ra toà, họ mới biết mình đã giao trứng cho ác...

>> Nạn nhân quá mất cảnh giác nên bị lừa sổ đỏ

Ngân hàng: Chặt chẽ nhưng vẫn phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của nhân viên

Ông Nguyễn Minh Thi, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Chi nhánh Mỹ Đình, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết, khi cho vay, các ngân hàng đều tuân thủ quy trình của Ngân hàng Nhà nước.

Nghĩa là khi khách hàng có nhu cầu, sẽ viết đơn đề nghị vay trong đó nói rõ lý do sẽ dùng tiền vay làm việc gì và nộp kèm theo các giấy tờ chứng minh tài sản (với trường hợp vay thế chấp). Nếu vay ngắn hạn, từ 3 - 5 ngày ngân hàng sẽ trả lời có cho vay hay không. Nếu vay trung hạn, thời gian trả lời từ 7 - 10 ngày.

Đồng ý cho vay, ngân hàng sẽ cùng khách hàng đi thẩm định tài sản thế chấp và thống nhất định giá dựa trên khung giá quy định của UBND thành phố, tỉnh. Hai bên lại ra phòng công chứng gần nhất ký kết hợp đồng thế chấp tài sản. Sau đó lại đến đăng ký giao dịch đảm bảo tạo văn phòng nhà đất quận, huyện.

Khi hoàn tất các thủ tục trên, khách hàng lại phải trình chứng từ hợp lệ, ngân hàng mới giải ngân. Ngân hàng tuyệt đối không cho vay bằng tiền mặt mà giải ngân theo tiến độ sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Quy trình cho vay vốn và quản lý vốn của ngân hàng khá chặt chẽ là thế, tại sao lại vẫn có những ngân hàng cho vay vốn của mình thông qua môi giới. Để rồi ngân hàng tự đẩy mình vào tình huống bị rủi ro cao trong việc thu hồi vốn lớn? Điển hình phải kể đến những vụ tranh chấp tín dụng mà gần đây TAND TP Hà Nội thụ lý và đã xét xử như nêu ở trên.

Một vị cán bộ của Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, yếu tố đạo đức của người cán bộ ngân hàng rất quan trọng. Trong quá trình định giá tài sản, nếu người này "châm chước", rất có thể tài sản sẽ được định giá cao hơn so với thực tế…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cho vay vốn có bảo lãnh thế chấp cũng tiến hành giống quy trình cho vay vốn có thế chấp thông thường. Bản thân hợp đồng ủy quyền giữa bên có tài sản và bên được ủy quyền đủ cơ sở pháp lý nên ngân hàng đều rất tin tưởng. Cũng bởi niềm tin này mà nhiều ngân hàng không thẩm định từ phía bên ủy quyền (chủ tài sản thế chấp).

Nếu thực hiện thao tác này, cán bộ ngân hàng sẽ thông báo tình hình vay vốn, những ràng buộc trong hợp đồng với ngân hàng mà người được ủy quyền cam kết với ngân hàng cho chủ tài sản biết. Nhờ đó, sẽ tránh được những rủi ro cho cả chủ tài sản lẫn ngân hàng. Tiếc rằng, nhiều ngân hàng đã bỏ qua lần thẩm định này.

Giá như cơ quan chức năng ngăn chặn từ đầu

Thẩm phán Nguyễn Huyền Cường, Toà Kinh tế, TAND TP Hà Nội là người đang thụ lý tranh chấp tín dụng mà Phạm T.T. là bị đơn. Phạm T.T. là người mà chúng tôi liên tục nhắc đến trong các bài báo trước về việc người này nhận sổ đỏ, uỷ quyền của chủ sử dụng đất để vay vốn giúp nhưng rồi thất hứa.

Do cần vay khoản tiền 150.000.000đ, một người đã ủy quyền cho Phạm T.T. vay giúp. Tài sản thế chấp là quyển sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng 700m2 kèm Hợp đồng ủy quyền.

Đúng như cam kết, chủ tài sản này sau đó ít ngày đã nhận từ Phạm T.T. 150.000.000đ. Họ không biết rằng, Phạm T.T. đã đem giấy tờ nhà đất của mình thế chấp ở ngân hàng S để vay số tiền 1.600.000.000 đồng.

Chỉ đến khi đến hạn trả tiền mà Phạm T.T. vẫn lặn mất tăm, ngân hàng khởi kiện ra toà, chủ sử dụng 700m2 đất này mới biết rõ "lòng tốt" của T.T.

Có một điều đáng lưu ý trong vụ xét xử này, đó là Phạm T.T. không đứng tên vay khoản tiền 1.600.000.000 đồng mà do một công ty có tư cách pháp nhân khác. Sau khi lấy được tiền từ ngân hàng, giữa Phạm T.T. và công ty đứng tên vay tiền lại chia số tiền này ra làm ba. Phần nhỏ nhất là khoản 150.000.000đ được Phạm T.T. giao cho chủ tài sản "theo đúng yêu cầu".

Thẩm phán Nguyễn Huyền Cường cho biết, một năm trở lại, TAND Hà Nội mới bắt đầu thụ lý những vụ án kiểu này. Không chỉ ngân hàng cổ phần mới ra đời mà cả Ngân hàng của Nhà nước cũng phải khởi động để thu hồi nợ.

Qua các vụ việc, ông nhận thấy ngoài việc chủ tài sản rất chủ quan, mất cảnh giác (có trường hợp 4 gia đình gồm hơn 20 người phải rơi vào hoàn cảnh bị mất trắng nhà, đất chỉ vì họ đã ủy quyền cho người khác vay tiền ngân hàng) thì trách nhiệm của cán bộ ngân hàng thẩm định cho vay cần được xem xét

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.