Ngăn chặn hàng lậu trên quốc lộ 1

Thứ Năm, 01/02/2018, 08:44
Điểm đầu tiên mà dòng chảy hàng lậu từ biên giới Lạng Sơn đổ về nội địa là Bắc Giang, đây cũng là điểm “nóng” diễn ra các cuộc "rượt đuổi" hàng lậu trên tuyến quốc lộ. Hàng lậu sau khi từ Lạng Sơn về, chia lẻ vận chuyển bằng nhiều con đường đi qua Bắc Giang, sau đó tiếp tục vận chuyển về Hà Nội và các tỉnh.  


Quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh Bắc Giang được xem là tuyến đường nóng bỏng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả của lực lượng chức năng. Có mặt trên tuyến đường này vào dịp giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi thấy hầu hết hàng hóa sau khi từ biên giới Lạng Sơn đưa về chủ yếu giấu trong các vách ngăn, thành thùng của xe khách, giấu lẫn trong các loại hàng hóa tạm nhập tái xuất của xe tải, xe container hoặc cho vào xe cá nhân, xe du lịch.

Khi lưu thông trên đường, các xe này chủ yếu đi vào giờ lực lượng giao ca để ít bị kiểm tra. Một chiếc xe khách phóng rất nhanh trên QL1, sau khi bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, đã phát hiện bên trong hầm tự tạo có nhiều thùng đựng nhiều mặt hàng gia dụng và bánh kẹo đều của Trung Quốc. Lái xe không xuất trình được giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, chỉ khai nhận chở thuê cho khách. Theo Phòng CSGT thì hàng lậu được ngụy trang và cất giấu tinh vi trên các phương tiện vận tải, phải có nghiệp vụ kiểm tra mới phát hiện được.

Hàng lậu chủ yếu đi qua tuyến QL1, tuy nhiên thủ đoạn hiện nay đã thay đổi, chủ hàng lợi dụng địa bàn giáp ranh để tập kết sang chuyển, xé lẻ chia nhỏ hàng hóa, vận chuyển qua các đường xương cá để vào nội địa. Xe chở hàng lậu thường xuyên thay đổi BKS, những cung đường không có lực lượng CSGT.

Họ cho xe chạy rất nhanh, thậm chí còn sử dụng đối tượng thương binh để đi theo xe, khi kiểm tra lực lượng thương binh gây khó khăn cho tổ công tác. Các đối tượng còn sử dụng xe đặc chủng, mã lực lớn để chặn, chống đối lại hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng.

Hàng lậu giấu trong ôtô vận chuyển qua QL1 bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang thu giữ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang thì buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm có dấu hiệu phức tạp. Bắc Giang là địa bàn trung chuyển hàng hóa, dịp cuối năm tập trung vào các mặt hàng như điện tử, hàng tiêu dùng, dân dụng và nhu yếu phẩm phục vụ Tết.

So với dịp Tết Nguyên đán 2017, hoạt động của đối tượng  đã giảm do sự vào cuộc của các lực lượng từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, đối tượng buôn lậu lại sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để vận chuyển hàng lậu vào nội địa.

Thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn thuê người đứng tên hoặc sử dụng giấy tờ, thông tin giả thành lập mới doanh nghiệp để thực hiện những phi vụ buôn lậu, xuất nhập khẩu hàng cấm, trốn thuế với quy mô lớn. Đây là thủ đoạn mới gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, xử lý.

Đại úy Phạm Hữu Tùng, Đội trưởng Đội chống buôn lậu, hàng giả, Phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, đây là thời điểm mà hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không rõ nguồn gốc xuất xứ lọt vào nội địa nhiều nhất, tập trung vào mặt hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, bột ngọt, mỹ phẩm, giày dép, phụ tùng xe máy, phân bón, thức ăn chăn nuôi…

Thủ đoạn chủ yếu là thu mua các loại hàng hóa, nguyên liệu, bao bì giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn mác nhái của các thương hiệu hàng hóa nổi tiếng trên thị trường và tìm nơi tiêu thụ. Các sản phẩm này được bán lẫn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Hạnh Tạo và Hiền Hiên (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế) tạm giữ gần 6 tấn phân bón NPK do Công ty cổ phần Phân bón Hà Bắc sản xuất bị làm giả, kém chất lượng. Ngay cả mặt hàng xăng dầu cũng bị đối tượng đưa hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Sau khi kiểm tra cây xăng dầu Bãi Bò (Như Thiết, Hàng Thái, huyện Việt Yên), Phòng Cảnh sát kinh tế và Chi cục QLTT cũng phát hiện cây xăng này bán 1.500 lít xăng A92 kém chất lượng, không có kiểm dịch cột bơm, không có giấy phép kinh doanh, bán xăng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Thậm chí, khi kiểm tra cơ sở đóng gói thuốc đông y của hộ gia đình ông Đỗ Hoàng Vinh (xã Thượng Lan, huyện Việt Yên) đã phát hiện 2.000 hộp thuốc đông y các loại gồm thuốc tăng cường sinh lực Lan Chi, thuốc dạ dạy, giảm cân… có tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, cùng nguyên liệu, máy móc phục vụ đóng gói sản phẩm đều không có bất kỳ giấy tờ nào do cơ quan nhà nước cấp phép cho cơ sở đóng gói.

Bản thân ông Vinh và vợ cùng toàn bộ những người đóng gói thuê đều không có trình độ về y dược. Ông Vinh tự đi mua nguyên liệu thuốc đông y trên thị trường, tự đặt vỏ hộp, vỏ gói, tem nhãn, hướng dẫn sử dụng, sau đó đóng gói đóng hộp thuốc, dán tem, dập niên hạn sử dụng và bán ra thị trường.

Đại úy Phạm Hữu Tùng cho biết, trong thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh với nhiều đối tượng sản xuất, gia công đóng gói các mặt hàng như dây điện, bột giặt, thức phẩm chức năng… nghi giả nhãn hiệu của các hàng hóa như dây điện Trần Phú, ống nhựa Tiền Phong.

 Tuy nhiên, khi xử lý gặp nhiều khó khăn trong xử lý hình sự đối với hành vi của các đối tượng, mà chỉ xử lý hành chính về các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ vì các đối tượng đã “lách luật” dưới hình thức in tem nhãn gần giống tem nhãn của thương hiệu thật. Đặc biệt, chúng không đăng ký hợp quy, không công bố tiêu chuẩn chất lượng để tránh hành vi cấu thành tội sản xuất hàng giả. Với hình thức trên, các đối tượng tung ra thị trường các loại hàng hóa kém chất lượng, nhái nhãn mác đánh lừa người tiêu dùng.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.