“Ngạc nhiên” trước đề xuất lập cơ quan ngang bộ để... thúc doanh nghiệp tái cơ cấu

Thứ Tư, 02/04/2014, 18:07
Nhiều đại biểu dự hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sáng nay đã tỏ rõ sự ngạc nhiên khi nghe đề xuất thành lập cơ quan ngang bộ để đốc thúc tái cơ cấu.

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương đến năm 2015”. Trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, quản trị DN, Đảng ủy Khối đề nghị xem xét, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, bổ sung các quy định riêng điều chỉnh quản lý và hoạt động của các DNNN hoặc xem xét ban hành luật riêng dành cho DNNN phù hợp với những đặc thù về chủ sở hữu, mục tiêu hoạt động, vị trí, vai trò. Theo đó, xem xét sửa đổi Điều 120 Luật Doanh nghiệp vì theo quy định của điều này thì khi sắp xếp sáp nhập các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa của các TCT nhà nước thì cổ đông nhà nước không được quyền biểu quyết; việc sáp nhập phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các cổ đông thiểu số. Với Chính phủ, bộ ngành, Đảng ủy Khối đề nghị ban hành các cơ chế chính sách và hướng dẫn làm cơ sở cho việc triển khai tái cơ cấu: quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nghị định về quản lý người giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và DN mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ.

Về thoái vốn đối với các khoản vốn đầu tư chéo giữa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, cho phép các đơn vị này được mua lại, chuyển nhượng số vốn đang góp theo giá trị sổ sách hoặc tự thỏa thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn. Đối với một số khoản đầu tư nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này, hoặc đơn vị do chính phủ chỉ định. Đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra đối với DNNN, tập trung vào các nội dung: hoàn thiện khung khổ pháp lý, đổi mới nội dung và cách thức giám sát, nâng cao năng lực và động lực giám sát.

Việc tái cơ cấu ở các DNNN đang là vấn đề nổi cộm.

Đáng chú ý, Đảng ủy khối doanh nghiệp đề xuất, về lâu dài cần thống nhất trách nhiệm và đầu mối giám sát về một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN của Chính phủ và nghiên cứu thành lập 1 cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư NN vào DN. Việc đề xuất thành lập cơ quan ngang bộ để quản lý các DNNN đã khiến nhiều đại biểu dự hội nghị bật cười, nhiều ý kiến quan ngại. Bởi lẽ, hiện nay có 5 cơ quan: Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ, TB-XH chủ trì quản lý theo lĩnh vực mình phụ trách. Còn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào thì do cơ quan chủ quản là bộ đó quản lý, ví dụ như về hàng hải, đường sắt thì do Bộ GTVT quản lý, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp thì do Bộ Công thương quản lý... Việc quản lý như vậy theo các đại biểu là thống nhất, còn chuyện chậm tái cơ cấu lại do vướng nhiều khâu khác và vướng ở thái độ của nhiều doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lập thêm một bộ mới hoặc cơ quan ngang bộ để quản lý DNNN giúp tái cơ cấu chỉ khiến bộ máy thêm cồng kềnh, gây tốn kém, lãng phí và trái với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối các bộ, ngành của Đảng, Nhà nước...

N.Thành
.
.
.