Nếu nguyên liệu giảm sâu sẽ tiếp tục áp trần giá sữa

Thứ Bảy, 21/03/2015, 09:21
Theo quy định, việc áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hạn vào ngày 20/5 tới. Vậy sau ngày 20/5, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý như thế nào? Liệu có tiếp tục áp trần không, khi mà thực tế, áp trần nhiều, nhưng quản lý chẳng được bao nhiêu?

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến nay, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 662 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, một số tổ chức, cá nhân vẫn còn vi phạm các lỗi như: đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, tăng giá vượt quá mức giá tối đa quy định; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã hết hạn sử dụng, nhãn hàng hóa đã bị tẩy xóa, không có hạn sử dụng…

Sau 7 tháng thực hiện áp trần giá sữa, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định với tổng số tiền gần 520 triệu đồng. Trong đó, giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là gần 42 triệu đồng.

Theo tìm hiểu riêng của Báo CAND, các DN vẫn cố tình “neo” giá cao vì chi phí tiếp thị quảng cáo quá lớn. Có DN, số người được gọi là “hoạt náo viên”, mặc những bộ đồ ngộ nghĩnh, nhảy múa gây sự chú ý cho các “thượng đế nhí”, hòng lôi kéo những khách hàng này hướng sử dụng sang sản phẩm của mình lên tới 2.000 người.

Tiền để trả lương cho những “hoạt náo viên” này là những con số rất lớn, mà chỉ tính riêng thuế thu nhập họ phải đóng cho ngân sách nhà nước hàng năm lên tới khoảng 170 tỷ đồng. Con số này nếu đem nhân với 5 DN lớn và một số DN khác, thì hàng năm, 10 triệu trẻ em khi uống sữa phải chi lên tới nhiều nghìn tỷ đồng để trả lương…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, biện pháp bình ổn giá là không mong muốn của cơ quan quản lý, trong tương lai, khi thị trường sữa thực sự trở lại lành mạnh, giải quyết hài hòa lợi ích của DN và người tiêu dùng, giá cả được xác định công khai minh bạch của các yếu tố đầu vào, thì mặt hàng sữa sẽ được điều tiết theo hướng đúng nghĩa của thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trước mắt, vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian một năm, sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ.

Đáng chú ý, mới đây, tại buổi làm việc của Bộ Tài chính với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng với 29 DN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ trong điều hành giá là phải đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và người tiêu dùng.

Nếu đến tháng 5/2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm, thì không loại trừ các giải pháp hành chính như: tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, hay xem xét lại hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa DN và người tiêu dùng Việt Nam.

Lệ Thúy
.
.
.