Nên tập trung quỹ bình ổn giá về một mối để bình ổn giá xăng

Thứ Năm, 20/03/2014, 13:12
Bắt đầu từ 12h trưa 19/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cho phép các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng giá xăng tối đa 189 đồng/lít; dầu diesel tối đa 71 đồng/lít. Petrolimex ngay lập tức đã niêm yết giá bán xăng RON 92 tăng thêm 180 đồng/lít; tăng giá bán dầu diesel thêm 70 đồng/lít và giảm giá bán dầu mazut 120 đồng/kg.

Giá tăng, doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ

Theo Bộ Tài chính, hiện giá bán xăng RON 92 đang thấp hơn giá bán cơ sở 654 đồng/lít; dầu diesel thấp hơn 71 đồng/lít; dầu hỏa thấp hơn 170 đồng/lít. Riêng giá bán dầu mazut đang cao hơn giá cơ sở 113 đồng/kg. Trong bối cảnh đó, với phương châm chia sẻ lợi ích giữa người tiêu dùng, DN, Bộ Tài chính quyết định ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho phép tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng như hiện hành (300 đồng/lít). Bên cạnh đó, tiếp tục cắt giảm 50% lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng: xăng, dầu hỏa (tạm tính 150 đồng/lít trong giá cơ sở).

Phần chênh lệch còn lại giữa giá bán lẻ và giá cơ sở sau khi điều chỉnh quỹ bình ổn giá và lợi nhuận định mức như trên, cho phép các DN được tăng giá bán xăng tối đa 189 đồng/lít; tăng giá bán dầu diesel tối đa 71 đồng/lít; đồng thời giảm giá bán dầu mazut tối thiểu 113 đồng/kg. Riêng mặt hàng dầu hỏa, do mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành không lớn, trước mắt giữ ổn định giá bán như hiện hành.

Giá xăng dầu bất ngờ tăng từ 12h ngày 19/3. Ảnh: Thiện Hoàng.

Bình luận về việc Bộ Tài chính cho phép tăng 190 đồng/lít xăng, một DN cho biết: Không hiểu cách tính của Bộ như thế nào, nhưng biên độ cho phép tăng như thế này vẫn chưa thể bù lỗ cho DN. Song “được tăng nhỏ giọt vẫn hơn là bị kìm giá”. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho biết, mức tăng chưa đến 200 đồng/lít là mức tăng có thể chấp nhận được. Bản thân cơ quan quản lý, lẫn người tiêu dùng và DN đều muốn giá xăng tiến tới cơ chế thị trường, tiệm cận giá thế giới thì phải chấp nhận sự điều chỉnh thường xuyên.

Tập trung quỹ bình ổn giá về một mối

Thực ra, với cơ chế thị trường, việc xăng dầu lên xuống theo giá thế giới là điều không thể tránh khỏi. Song thực tế, cứ mỗi lần xăng tăng giá, lại có không ít ý kiến không đồng tình từ phía dư luận. Theo TS Nguyễn Minh Phong, một trong những nguyên nhân đó là do thị trường xăng dầu chưa được minh bạch. Hiện nay, Bộ Tài chính đã công bố quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng chỉ là công khai quỹ, chứ bản chất của việc trích, xả thì không ai kiểm soát được.

“Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đang nằm ở chính DN: quỹ hình thức, nói quỹ nhưng không có quỹ, mà là quỹ kế toán. Các DN khác nhau, bán với số lượng xăng dầu khác nhau, đem nhân số lượng đó với số tiền được phép trích quỹ, rồi tự giữ lấy, khi nào có lệnh xả thì sẽ tự xả, tự hoạch toán lấy. Điều này nhược điểm ở chỗ nơi bán nhiều thì có quỹ lớn, bán ít thì quỹ nhỏ, đến khi cùng xả 1 ngày, thì DN này hết sớm, DN kia hết muộn. Nếu cứ xả nữa, nơi không có lấy đâu ra mà bù. Vì không kiểm soát được DN bán bao nhiêu, trích quỹ bao nhiêu, nên rất dễ có sự thẩm lậu. Kết quả là chỉ có DN là biết, còn người tiêu dùng kiểu gì cũng phải mua đắt: đắt từ trích quỹ, đắt cả khi xả quỹ; xả quỹ thì ăn gian, còn trích thì chắc chắn là không bỏ sót”.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: Dự thảo về Nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi đang lấy ý kiến các chuyên gia với 2 vấn đề chính. Thứ nhất, nên để thời gian tính giá cơ sở 30 ngày hay 15 ngày. Thứ hai, quản lý và vận hành quỹ bình ổn giá như thế nào cho hiệu quả. Sau khi lấy ý kiến, các thành viên Chính phủ sẽ thông qua và chính thức ban hành Nghị định.

“Thứ nhất, về thời gian 30 ngày hay 15 ngày, thực ra phương án nào cũng có mặt tối ưu của nó. Nếu cứ để 30 ngày như cũ, thì Nhà nước không mất đồng nào bù lỗ, tự các DN sẽ cân đối. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là làm cho việc điều hành cứng, và mỗi lần tăng giá thường nhiều và dễ gây “sốc”. Còn với phương án 15 ngày, thì Nhà nước phải mất 15 ngày còn lại, nếu xăng lên giá thì phải bù lỗ cho DN. Điều này rất dễ tạo sự lạm dụng, nhưng việc điều chỉnh giá sẽ mềm hơn. Thứ hai là về quỹ bình ổn giá, tôi nghĩ nên mạnh dạn hơn 1 chút về mặt cấu trúc, vì hiện có 8 DN nhà nước kinh doanh xăng dầu, nên dùng 1 DN, lập thành công ty chuyên dự trữ năng lượng quốc gia. Quỹ bình ổn giá sẽ nằm ở đấy. Lúc này, Nhà nước làm chứ không phải là DN, và chọn phương án 15 ngày. Như vậy, 15 ngày DN chịu, 15 ngày còn lại, Nhà nước chịu. Tổng thì vẫn thế, nhưng đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng, hài hòa giữa công vụ và kinh doanh, giữa an ninh quốc gia và lợi nhuận DN. Quan trọng nhất là Nhà nước cũng chẳng mất gì, vì giữ 15 ngày, khi cần mới phải bán ra thôi. Nếu vận hành theo cơ chế này, Nhà nước không có chuyện bù lỗ, không sợ xảy ra tình trạng ăn rơ, “lại quả” với nhau theo lợi ích nhóm, tính thị trường cao hơn, minh bạch dần thị trường xăng dầu và tiến tới cổ phần hóa hết, Nhà nước không nắm, mà chỉ là dự trữ an ninh năng lượng quốc gia thôi. Quỹ này là mô hình để sau này còn phát triển quỹ năng lượng cho điện, than”, ông Phong đề xuất

Hà An
.
.
.