Nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ tính thuế TNCN

Chủ Nhật, 11/03/2012, 15:00
Với cách tính mức thuế thu nhập cá nhân bằng khung thuế "cứng" như Bộ Tài chính đề xuất (khởi điểm 6 triệu đồng/người/tháng thay cho 4 triệu đồng; người phụ thuộc 2,4 triệu đồng/người/tháng thay cho 1,6 triệu), luật thuế này có thể phù hợp tại thời điểm hiện nay (2012), nhưng sẽ lạc hậu khi áp dụng (2014) và sẽ khó "thọ" kể từ sau 2014.

"Số khổ" một đạo luật

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo từ những năm 2004, 2005 nhưng do tính phức tạp trong cách tính khung, biểu thuế nên phải đến tháng 11/2007, đạo luật này mới được Quốc hội thông qua. Trong khi các đạo luật cùng dịp đã thi hành ngay từ 2008 thì Luật Thuế thu nhập cá nhân phải đợi đến 1/1/2009.

"Số khổ" của nó chưa dừng lại khi thời gian này kinh tế nước ta chịu tác động của khủng hoảng tài chính, luật thuế rốt cuộc dù có hiệu lực nhưng chưa thể thi hành, phải hoãn đến 1/5/2009. Khi đó, Bộ Tài chính thông báo: Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên chủ trương của Chính phủ là từ nay (1-2009) đến hết tháng 5/2009, tạm thời chưa thu thuế đối với một số khoản thu nhập.

Như vậy, về hình thức, nói là 5 năm thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân nhưng kỳ thực, thời gian chính xác chưa đầy 3 năm. Trong gần 3 năm đó, các tranh cãi về sự bất hợp lý giữa khung thuế suất, biểu thu nhập chịu thuế tiếp tục là đề tài nóng chưa có hồi kết.

Nhắc lại lịch sử ra đời và thi hành của luật này để thấy sự khó khăn trong làm luật và áp dụng. Điều đó đòi hỏi việc sửa đổi lần này phải đảm bảo tính khoa học trong quy định về khung thuế suất, biểu thuế chứ không đơn giản chỉ là việc nâng mức thu nhập chịu thuế như dự thảo. Việc Bộ Tài chính nâng thêm 50% mức thu nhập khởi điểm để áp dụng khung thuế có thể đúng với thời điểm hiện tại (năm 2012) nhưng sẽ lạc hậu ngay khi đạo luật có hiệu lực thi hành (dự kiến năm 2014), chưa kể sẽ khó "thọ" trong giai đoạn 2014 - 2020.

Lạm phát cao, kinh tế phát triển, nếu áp dụng khung thuế "cứng" sẽ sớm lạc hậu.

Tại sao không nên áp dụng khung thuế "cứng"?

Mức thu nhập khởi điểm chịu thuế hiện là 4 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ 1,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc. Mức thuế này được các nhà làm luật đặt ra khi thảo luận luật thuế (năm 2005, 2006) và giữ nguyên mức đó khi trình Quốc hội (năm 2007). Tới 2012, khung thuế này chưa thay đổi, trong khi thực tiễn đời sống và mức thu nhập người dân hiện nay so với thời điểm thảo luận và thông qua dự luật đã khác xa. Việc tính toán thuế thu nhập cá nhân cần căn cứ vào mức lương tối thiểu, vì đây là cơ sở thể hiện mức sống của người hưởng lương nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Cụ thể:

Năm 2006, khi Bộ Tài chính đưa mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/người/tháng vào dự thảo luật thì lương tối thiểu khi đó là 450 nghìn đồng (từ 1-10-2006). Như vậy, khởi điểm thu nhập chịu thuế lúc đó cao gấp 8,88 lần lương tối thiểu. Năm 2009, khi luật có hiệu lực thi hành, lương tối thiểu là 730 nghìn đồng, tức tỷ lệ giảm còn 5,47 lần. Hiện, lương tối thiểu 830 nghìn đồng, đến tháng 5 tới đây, mức lương tối thiểu sẽ lên 1.050 nghìn đồng. Nếu áp dụng thu nhập khởi điểm chịu thuế là 6 triệu như dự thảo thì chênh lệch với mức lương tối thiểu chỉ là 5,71 lần (so với chênh lệch 5,47 lần như hiện hành thì tỷ lệ này là tương ứng). Tuy nhiên, luật thuế sửa đổi dự kiến áp dụng từ 2014.

Lộ trình cải cách tiền lương, thông thường mỗi năm điều chỉnh lương tối thiểu một lần, như vậy từ nay đến 2014 còn hai lần điều chỉnh lương tối thiểu. Với tỷ lệ điều chỉnh khoảng 15 đến 20% như mấy năm qua, thì hai lần điều chỉnh sẽ là 30-40%, tức lương tối thiểu đến 2014 khoảng 1,5 triệu đồng. Tỷ lệ chênh lệch giữa lương tối thiểu và khởi điểm chịu thuế khi đó chỉ còn 4 lần là quá thấp, không phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội. Chưa kể, nếu vẫn áp dụng mức thuế "cứng" cả giai đoạn 2014-2020, đạo luật này càng lạc hậu.

Nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ tính thuế

Ngay từ giai đoạn soạn thảo trước đây, nhiều ý kiến đề nghị cần lấy quy định lương tối thiểu làm cơ sở việc tính thuế. Theo đó, hằng năm khi lương tối thiểu thay đổi thì mức tính thuế thu nhập cá nhân cũng thay đổi. Tỷ lệ tính thuế giữa lương tối thiểu và mức khởi điểm chịu thuế, theo một số chuyên gia kinh tế, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội nước ta, có thể dao động 8 đến 10 lần. Ví dụ: Năm 2006, mức lương tối thiểu 450 nghìn đồng, mức chịu thuế 4 triệu đồng (tỷ lệ 8,88 lần) thì hiện nay là: 830.000 x 8,8=7,3 triệu đồng.

Việc lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ tính thuế sẽ đảm bảo "độ bền" cho đạo luật và phù hợp sự phát triển nền kinh tế: khi đời sống cải thiện thì lương tối thiểu tăng, mức đóng thuế cũng tăng theo. Ngược lại, nếu các nhà làm luật "tính cứng" là 6 triệu hay 7 triệu, thì đạo luật sẽ nhanh chóng lạc hậu và phải thường xuyên sửa đổi, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao

Đ.Trường
.
.
.