Công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2014:

Nền kinh tế đã phục hồi với nhiều gam màu sáng

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:30
Ngày 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp tổ chức.

Báo cáo cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98%, đây là mức tăng trưởng GDP cao nhất kể từ năm 2011. Tăng trưởng của các quý năm 2014 đều cao hơn cùng kỳ của các năm 2012 và 2013, trong đó tăng trưởng của quý IV-2014 đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.

Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm 2013, riêng khu vực dịch vụ tăng 5,96%, thấp hơn mức tăng 6,56% của năm 2013. Xuất khẩu năm 2014 đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% và nhập khẩu đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013.

Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD, đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ khi cán cân thương mại của Việt Nam đạt thặng dư vào năm 2012. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp tới 2/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014.

Tính đến thời điểm 15/12/2014, Việt Nam đã thu hút 1.588 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.642,6 triệu USD, tăng 24,5% về số dự án và tăng 9,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013...

Thủy sản là ngành có hiệu quả lao động và khả năng tài chính tốt nhất trong năm 2014 (ảnh minh họa).

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là được cải thiện rõ nét. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á về 12 tiêu chí, trong đó các tiêu chí như cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, hiệu quả thị trường lao động và trình độ khoa học công nghệ đều có những bước đột phá mạnh mẽ.

Báo cáo môi trường kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam cũng cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng DN châu Âu tiếp tục gia tăng khi có tới 62% DN cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh trong năm 2015.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, năng lực tài chính của các DN đang có xu hướng được cải thiện và tốt hơn mức trung bình của toàn bộ khu vực DN, thể hiện qua chỉ số thanh toán hiện tại, chỉ số khả năng trả lãi vay và chỉ số nợ. Hiệu suất sinh lợi của các DN cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn bộ khu vực DN.

Trong đó, ngành Thủy sản cũng là ngành có hiệu quả sử dụng lao động cao nhất, hiệu quả sử dụng vốn cao nhất và khả năng tài chính tốt nhất. Tuy vậy, bên cạnh những điểm sáng trong nền kinh tế, báo cáo cũng đã chỉ ra những vấn đề mà DN Việt Nam đang gặp phải như hiệu suất sử dụng lao động thấp và chậm cải thiện, giảm mạnh từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2014. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thiếu lực lượng DN quy mô vừa. Lao động bình quân trong DN đã giảm từ 49 lao động trong năm 2007 xuống còn 18 lao động trong năm 2014...

Nguyên nhân được xác định là do DN chưa tiếp cận được với công nghệ phù hợp, quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động nên giá thành sản phẩm bị “đội” lên cao, khó cạnh tranh với các DN trong khu vực cả trên sân khách lẫn sân nhà.

Huyền Thanh
.
.
.