Hà Nội đề nghị xử phạt xe máy không nộp phí đường bộ:

Nên cân nhắc khi thu phí không hiệu quả

Chủ Nhật, 20/07/2014, 14:43
Đã tròn 1 năm Hà Nội thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Thế nhưng, hiệu quả của việc thu phí thì chưa thấy mà chỉ thấy một bộ máy triển khai thu phí cồng kềnh, phức tạp. Có lẽ vì thế mà Hà Nội đang đề xuất xử phạt xe máy không nộp phí đường bộ. Việc làm này cần có tính toán, cân nhắc để tránh đưa ra những quy định không hợp lý, gây khó cho người dân.

Hà Nội bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ 21/7/2013. Theo đó, mức thu đối với xe máy có dung tích xi lanh đến 100cm3 là 50.000đ/năm; xe có dung tích xi lanh trên 100cm3 là 100.000đ/năm.

Thực tế, số thu năm 2013 của thành phố chỉ đạt 14% so với dự kiến (55 tỷ/378 tỷ đồng). Hai tháng đầu năm 2013, số phí thu được trên 1,5 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 0,6% dự kiến trong năm). Trong đó, nhiều phường như phường Cát Linh chỉ thu được 1/3 so với thực tế. Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau kỳ họp Hội đồng nhân dân ngày 17/7, cử tri phường Hàng Gai cũng phản ánh việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy là rất khó khăn.

Qua tìm hiểu ở nhiều địa bàn khác nhau, chúng tôi đều ghi nhận được sự khó khăn trong việc thu loại phí này ở cấp cơ sở. Một cán bộ cấp phường ở Hà Nội cho biết, khi tổ chức triển khai thu phí xe máy rất phức tạp. Dù đã giao nhiệm vụ rà soát, thống kê và thu phí cho các tổ dân phố nhưng phường vẫn phải cử cán bộ kiêm nhiệm. Việc thu tiền, nộp tiền, trích phần trăm cho người làm công việc này là rất phiền phức trong khi hiệu quả thu được không cao.

Cùng ý kiến trên, ông Bùi Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng đưa ra một con số cho thấy việc thu phí đường bộ đối với xe máy là khó khăn. Xã Mai Lâm có 3.500 hộ dân, tính trung bình mỗi hộ có 2 xe máy thì cả xã có khoảng 7.000 xe. Năm 2013, cả xã chỉ thu được 40 triệu đồng. Một số tiền nhỏ so với công sức, thời gian của lực lượng thu, quản lý số phí đó.

Tháng 4/2014, trong buổi giải trình về Pháp lệnh phí, lệ phí do Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội tổ chức, đã có nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị Chính phủ xem xét bỏ loại phí này. Có vị đại biểu nêu quan điểm, xe máy là phương tiện phổ biến, thiết yếu của người dân, nếu phí này giá trị không lớn, chi phí quản lý tổ chức lại quá nhiều, không tương xứng, nên chăng chúng ta không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy nữa.

Đối với khu vực thành phố, nơi có trình độ dân trí cao, việc thu phí xe máy xem ra còn thuận lợi hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Cán bộ đi thu phí ở nông thôn hay gặp phản ứng của người dân vì nhiều người cho rằng: “Tôi mua xe chỉ đi loanh quanh trong làng, trong xã chứ có bao giờ đi ra quốc lộ đâu. Nếu tôi phải đóng phí là vô lý”. Hoặc có người cố tình không kê khai, nói rằng xe đi mượn để không đóng phí, dẫn đến con số thống kê không chính xác. Nhiều người thì cho rằng họ đã phải nộp rất nhiều loại phí rồi, tình trạng phí chồng phí khiến người dân cảm thấy bức xúc và không muốn nộp thêm bất kỳ loại phí nào nữa.

Rất nhiều người cho rằng, xe máy là phương tiện thông dụng, nên thu phí vào xăng dầu là hợp lý nhất, người đi nhiều sẽ phải đóng phí nhiều, người đi ít thì đóng phí ít, vừa không tốn kém khi triển khai thu phí. Bởi vậy, đề xuất của thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải về việc xử phạt người không nộp phí xe máy cần được cân nhắc thận trọng.

Trước khi đưa ra quyết định chính thức, các cơ quan chức năng phải có đánh giá cụ thể về hiệu quả thu phí để đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhất. Nếu số tiền thu phí không được nhiều mà chi phí thời gian, nhân lực để duy trì hoạt động thu phí lại lớn thì nên dừng việc thu phí xe máy. Hiện nay, ngoài các vi phạm về giao thông khi lưu thông trên đường, người đi xe máy đã bị xử phạt nếu không đội mũ bảo hiểm, không có bảo hiểm dân sự, nay lại thêm việc không có biên lai chứng nhận đã nộp phí đường bộ cũng bị xử phạt thì có nên không?

Minh Phương
.
.
.