Nạo vét luồng hàng hải: Lỗ hổng giám sát tạo nên tiêu cực?

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:38
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc nạo vét luồng hàng hải đang có hiện tượng các đối tượng lợi dụng việc thi công dự án vào ban đêm để bơm hút cát lậu…

Sau hai năm thực hiện cơ chế xã hội hoá nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, mặc dù Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá “chúng ta đã tiết kiệm được khá nhiều kinh phí và hiệu quả vẫn cao. Có những luồng tiết kiệm được đến hơn một nửa chi phí.” Thế nhưng, theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc nạo vét luồng hàng hải đang có hiện tượng các đối tượng lợi dụng việc thi công dự án vào ban đêm để bơm hút cát lậu…

Để minh chứng tính hiệu quả sau 2 năm xã hội hoá, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dẫn chứng: Như luồng Đà Nẵng, những năm trước đây phải chi đến khoảng 17 tỷ đồng cho nạo vét, nhưng năm nay chỉ khoảng 9 tỷ đồng. Hay luồng Cái Lân trước đây cũng tốn hơn 20 tỷ đồng, nhưng năm nay chỉ khoảng chục tỷ đồng. Luồng Quy Nhơn cũng chỉ mất có 5 tỷ đồng, trong khi đó trước đây phải mất hơn chục tỷ đồng.

Công tác nạo vét duy tu hàng hải.

Thế nhưng, đánh giá về các dự án xã hội hoá nạo vét luồng hàng hải, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: "Trong phạm vi thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét có hiện tượng các đối tượng lợi dụng việc thi công dự án thực hiện vào ban đêm để bơm hút cát lậu, gây bức xúc dư luận, không đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, gây sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân…”.

Theo ông Vĩnh, các dự án đều thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được chấp thuận, chưa đáp ứng mục tiêu nạo vét, duy tu và nâng cấp luồng đạt chuẩn tắc tuyến luồng. Mặt khác, phương tiện sử dụng cho dự án là xáng cạp (máy đào gầu giây), tàu hút chỉ thực hiện được ở khu vực đáy sông gồm cát bùn, còn khu vực đáy sông có đá và chướng ngại vật khác thì không thực hiện được.

Việc nạo nét thông luồng do thực hiện hình thức xã hội hóa, lấy thu bù chi nên chỉ có thể tập trung trong các khu vực có cát nhằm thu hồi cát, nạo vét thông luồng tuyến theo dự án được duyệt, do đó hiệu quả của các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, quy định hướng dẫn nạo vét theo hình thức xã hội hóa chưa rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương nên việc giám sát kiểm tra, xử lý vi phạm, trả lời khiếu nại liên quan nên dự án gặp khó khăn, không kịp thời.

Trước ý kiến của các bên liên quan, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng thừa nhận: việc giám sát công tác nạo vét chưa toàn diện. Quá trình triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa đã phát sinh nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn.

Nguyên nhân của tình hình trên là do cơ chế chính sách chưa quy định chặt chẽ, trình tự thủ tục trong thực hiện dự án, quá trình lựa chọn nhà đầu tư quá đơn giản dẫn tới việc lựa chọn những nhà đầu tư không đủ năng lực và chuyên môn thực hiện dự án; xảy ra hiện tượng lợi dụng thi công để bơm hút cát lậu là có sự “tiếp tay” của nhà đầu tư xã hội hóa dự án nạo vét thông luồng.

Để khắc phục các tồn tại, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục sửa đổi Thông tư 25/2013/TT-BGTVT và Thông tư số 28/2015/TT-BGTVT để giám sát chặt chẽ đối với các dự án đã được chấp thuận. Có ý kiến với UBND các tỉnh trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét cầu các dự án để thực hiện nạo vét luồng hàng hải.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Xây dựng xây dựng văn bản pháp quy quy định việc xuất khẩu cát nhiễm mặt tận thu từ các dự án nạo vét. Đồng thời, Cục Hàng hải cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét theo hình thức tận thu sản phẩm cho tới khi có Nghị định quy định về thực hiện xã hội hóa tận thu sản phẩm…

Đặng Nhật
.
.
.