Nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:56
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT Đỗ Nhất Hoàng cho biết, năm 2015 là năm khá thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đều đạt 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2015, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 15,578 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2014. Có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,18 tỷ USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, riêng kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt 14,5 tỷ USD, tăng tới 17,4% so với năm trước. 

Bên cạnh đó, hơn 70% số doanh nghiệp Nhật Bản xác nhận sẵn sàng thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần, trong khi Mỹ xác nhận tham vọng sớm trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. 

Có thể khẳng định, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm qua là một thắng lợi, là điểm sáng của nền kinh tế. Những con số này cho thấy, Việt Nam đã có một năm thành công trong cả thu hút mới và giải ngân vốn FDI. Điều này chứng tỏ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quá trình và kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI thời gian qua là khá tốt, đáp ứng hầu hết các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đối với khu vực này. Bên cạnh đó, thời gian cũng đủ để bộc lộ những bài học, đúc kết kinh nghiệm trong bối cảnh vị thế nền kinh tế đã lớn mạnh, vững chắc hơn nhiều. 

Tuy nhiên, vấn đề thu hút vốn FDI đã đến lúc cần được xem xét, chọn lọc trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với sự tham gia của khu vực này vào nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước, trong bối cảnh xuất hiện các đối tác kinh tế và hiệp định thương mại tư do mới. Các yếu tố đó tác động sâu rộng đối với nền kinh tế hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả thu hút vốn FDI năm 2015 vượt hơn hẳn các năm trước nên sẽ tạo ra gánh nặng cho năm 2016 nếu đặt mục tiêu phải đạt kết quả cao hơn năm 2015. 

Để nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực FDI, Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh, các hướng dẫn để cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi hóa cho nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhà đầu tư đang mong muốn tham gia vào các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường sắt, đường ô tô. 

Dự báo, nhu cầu về vốn đối với các dự án, hạng mục này lên tới vài chục tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với hàng chục dự án lớn. Đây sẽ là danh mục hấp dẫn, đáng được nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, tiến tới triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, là hình thức mới, thông thoáng và được Chính phủ, địa phương khuyến khích trong tương lai.

Ngoài ra, để tăng cường thu hút các dự án FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất... 

Và để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2016 và những năm tiếp theo trong thời gian tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý... để áp dụng vào thực tế tăng tiềm lực nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Lưu Hiệp
.
.
.