Sơn Long (Hương Sơn-Hà Tĩnh):

Nạn hút cát hoành hành

Thứ Ba, 23/12/2008, 09:34
Lâu nay, người dân xã Sơn Long phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Ngàn Sâu. Chính điều này đã dẫn tới hậu quả làm sạt lở nhiều đoạn tuyến kè thuộc địa phận xã Sơn Long. Một số hộ dân ven tuyến kè cũng chịu chung số phận khi đất vườn bị thủng và sạt lở nhiều chỗ. Nguy hiểm hơn, tại nhiều điểm nhà dân và các công trình dân sinh khác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để chứng thực về tình trạng khai thác cát bừa bãi tại đây, chúng tôi đã cùng tham gia với lực lượng CSGT đường thủy trong một buổi tuần tra xử lý. Trên một khúc sông kéo dài, hàng chục chiếc thuyền như những con bạch tuộc đang kéo dài những chiếc vòi khổng lồ liên tục hút cát từ dưới lòng sông.

Những chiếc vòi hút cát với tốc độ hút tương đối nhanh, trung bình mỗi giờ đồng hồ, mỗi thuyền hút được trên 10 tấn cát. Trước tình trạng khai thác cát ồ ạt, bừa bãi, người dân Sơn Long đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất nông nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không sớm có biện pháp xử lý thì không những nguồn tài nguyên này cạn kiệt mà những tuyến đê chống lũ trên cũng trôi theo dòng nước. Xin được nói thêm rằng, để phòng chống sạt lở và chống lũ, mỗi năm tỉnh ta phải bỏ ra hàng tỷ đồng để gia cố tuyến đê chống lũ này.

Qua trao đổi với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đức Thọ, ông Phạm Quang Thạnh - Trưởng phòng cho biết, hiện trên hệ thống sông này chỉ mới có 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác là Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam 1 và doanh nghiệp tư nhân Công Tiến.

Điều đáng nói ở đây là một doanh nghiệp để có giấy phép khai thác phải nộp rất nhiều khoản thuế cho nhà nước. Nhưng lợi ích của những đơn vị này bị chia sẻ một cách thô bạo bằng các hình thức hút trộm lưu động như trên.

Trong buổi làm việc gần đây giữa Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh với Ban ATGT huyện Hương Sơn, các thành viên tham dự đã có buổi thảo luận nhằm tìm ra biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn chưa đi đến kết luận bởi việc khai thác khoáng sản trên sông Ngàn Sâu đã vượt quá thẩm quyền xử lý của cấp huyện.

Một trong các nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn nạn khai thác do đây là điểm giáp ranh giữa hai huyện Hương Sơn và Đức Thọ. Khi huyện này tiến hành xử lý, những chiếc thuyền hút cát này lại chạy sang bờ bên kia và ngược lại.

Không chỉ có tình trạng sụt lún dòng sông, thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi sinh môi trường, đe dọa tới sinh mạng con người mà hằng ngày có tới hàng ngàn khối cát đang bị đánh cắp bởi công tác quản lý thờ ơ, lơ là của một số cơ quan chức năng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có quy hoạch, cắm mốc, phân vùng, cấp phép khai thác cụ thể thì khai thác cát có thể là một lợi thế về phát triển kinh tế trong vùng. Thậm chí, đây còn là loại hình kinh doanh có thể giải quyết được một lượng lớn về lao động.

Đã đến lúc cần có những biện pháp kiên quyết và nghiêm túc hơn đối với tình trạng khai thác cát trên các tuyến sông nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho hàng ngàn hộ dân ven bờ và bảo vệ tốt các tuyến đê, kè phục vụ công tác phòng chống bão lụt

Bá Phong
.
.
.