Nan giải vé máy bay dịp Tết

Thứ Hai, 06/12/2010, 11:47
Khi các hãng hàng không còn úp mở về danh sách hành khách đặt vé đã tạo cơ hội cho việc đầu cơ vé và không loại trừ một số cán bộ, nhân viên của các hãng móc nối với đại lý để trục lợi. Chính cách làm "tù mù" này đang làm giảm uy tín của các hãng hàng không.

Trong kế hoạch bay những ngày cao điểm Tết Tân Mão 2011, hãng JPA với 7 máy bay sẽ tăng thêm mỗi ngày 1 chuyến trên chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội; Air Mekong cũng sẽ tăng 1 - 3 chuyến/ngày, như vậy 2 hãng nhỏ này tạo thêm cơ hội đi máy bay dịp Tết cho khoảng 400 hành khách/ngày.

Thông báo từ ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Hãng Hàng không Vietnam Airline (VNA) mới đây về kế hoạch tăng chuyến đợt 1, từ ngày 15/12 đến ngày 17/1 âm lịch, VNA sẽ tăng thêm 7.000 ghế/chiều/ngày so với thường lệ trên chặng TSN - Nội Bài. Ngày cao điểm nhất, chỉ 1 chiều bay trên hành trình TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, số chỗ tăng chuyến sẽ lên tới 8.500 ghế so với ngày thường…

Để có thể tăng thêm từng này chỗ trên chặng Tân Sơn Nhất - Nội Bài, ít nhất VNA sẽ phải tăng thêm trên dưới 30 chuyến/ngày và những ngày cao điểm Tết, mỗi ngày sẽ có khoảng 15 ngàn hành khách được đi máy bay trên chặng này. Thông tin này đã khiến nhiều hành khách hy vọng, chờ đợi, nhất là khi vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội, Hải Phòng, Vinh… những ngày cao điểm Tết đã khan hiếm từ hơn 1 tháng qua.

Cảnh hành khách chen chúc lên máy bay trong mùa cao điểm. Ảnh: Đ.T.

Mua được vé máy bay trong 10 ngày cao điểm trước Tết thời điểm này đã không hề đơn giản. Anh Vũ Văn Long, một hành khách ở quận Tân Bình tâm sự: Sau nhiều ngày "canh me" lục tìm chỗ để đặt mua vé trên hệ thống bán vé tự động của các hãng đều không còn, tôi đành chọn cách nhờ đại lý vé máy bay tìm giúp 3 vé khứ hồi đi Hà Nội hoặc Hải Phòng ngày 27 - 29 Tết và về ngày 6 - 8 Tết. Để lại yêu cầu hôm trước, hôm sau đại lý gọi điện báo đã có vé. Tuy không được đi và về đúng ngày như mong muốn, nhưng vậy cũng tốt rồi.

Theo anh Long, một vài đại lý bán vé máy bay khẳng định với anh rằng, nếu muốn đi đúng ngày thì hãy chờ ít bữa. Tất nhiên ngoài giá vé do hãng thu, anh phải trả thêm khoản tiền "cò"…

Năng lực vận chuyển hiện tại như vậy, ngày thường các hãng hàng không phải liên tục đưa ra các chương trình cạnh tranh bằng cách giảm giá vé, giảm tần suất chuyến bay. Ngay như VNA, có những ngày chặng bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội giảm xuống chỉ còn 15 chuyến.

Như ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý điều hành bay, sân bay Tân Sơn Nhất, nhận định, việc tăng chuyến một cách đột biến trên các đường bay là không hề đơn giản. Bởi ngoài chuyện phải cân đối nguồn máy bay, phi công, thợ kỹ thuật, năng lực phục vụ dưới mặt đất… còn phụ thuộc cả vào sân đỗ, đường cất hạ cánh. Nhất là trước thực trạng kẹt đường băng cất - hạ cánh đã bắt đầu xuất hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất thì việc VNA tăng gần gấp đôi số chỗ trong dịp Tết là một cố gắng rất lớn của hãng.

Nược lại, hành khách mua vé máy bay đều có tên tuổi, địa chỉ và số chứng minh rõ ràng nhưng với cách phân phối vé kiểu cứ tung lên mạng như hiện nay, việc hãng vận chuyển đưa bao nhiêu vé, bán được số lượng bao nhiêu, những ai đã mua… đều không công khai công bố danh tính trên hệ thống. Điều này đã tạo cơ hội cho việc đầu cơ vé và không loại trừ chính một số cán bộ, nhân viên của các hãng móc nối với đại lý để đầu cơ trục lợi và chính cách làm "tù mù" này đang làm giảm uy tín của các hãng hàng không.

Vé máy bay Tết được bán trước tới hơn 3 tháng, ngoài vấn đề kinh doanh, các hãng hàng không, nhất là hàng không của Nhà nước phải có trách nhiệm phục vụ xã hội. Vì vậy Cục Hàng không cần vào cuộc, kiểm soát vé lượng vé Tết các hãng đã bán nhằm tăng cường giám sát, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, trục lợi vé máy bay Tết

Đức Thắng
.
.
.