Nan giải bài toán thiếu than

Thứ Bảy, 25/06/2011, 10:59
Việc Tập đoàn Than - Khoáng sản vừa nhập về gần 10.000 tấn than đã trở thành một nguyên cớ để những ồn ào xung quanh vấn đề than lại nổi lên. Trong những năm tới, với nhu cầu ngày càng lớn về than, việc nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, trong 5 năm tới, 53% ngành điện cũng phụ thuộc vào nhiệt điện than. Giải quyết bài toán thiếu than như thế nào đã trở thành vấn đề vô cùng cấp bách.

Than cũng nan giải như điện

Câu chuyện nhập gần 10.000 tấn than vừa qua của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang "chịu nhiều lời ra tiếng vào" - theo như ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn này cho biết. Từ một nước xuất khẩu than khá lớn, chúng ta đã bắt đầu trở thành nước nhập khẩu than, thậm chí còn mang trên mình nỗi lo không có than để mà nhập.

Ông Hùng cho rằng: Vấn đề than hiện nay cũng nan giải không kém gì điện. Những năm tới, nhu cầu than của chúng ta ngày một lớn. Không chỉ phục vụ sản xuất cho các ngành công nghiệp quan trọng như xi măng, thép... than còn đang trở thành trụ cột của ngành Điện. Theo như Qui hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, trong 5 năm tới, chúng ta cần khoảng 28.600 MW điện, trong đó riêng nhiệt điện than đã khoảng 16.380 MW, chiếm hơn 53%.

Trong bối cảnh thủy điện đã đến ngưỡng, với hà máy Thủy điện Lai Châu đang xây dựng là công trình cuối cùng có công suất trên 100 MW, nhiệt điện than đang trở thành nguồn cung cấp điện chính trong những năm tới. Trong khi đó, than trong nước cũng đang cạn kiệt.

"Về mặt kỹ thuật, tiềm năng phát triển bể than Quảng Ninh hầu như không còn. Trữ lượng than chỉ còn rất ít, chỉ khoảng 2 tỷ tấn. Các mỏ than lộ thiên đều đã vượt công suất thiết kế và đã đạt sản lượng tối đa" - TS Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia về ngành Than cho biết. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

"Đến 2015 chúng ta sẽ phải nhập khoảng 6 triệu tấn than. Năm 2025, con số này sẽ lên tới 60 - 70 triệu tấn" - ông Vũ Mạnh Hùng cho biết. "Vấn đề là liệu chúng ta có nhập được nhiều như thế không?" Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Sơn cũng cho rằng nếu giải bài toán thiếu than bằng cách nhập khẩu thì "hoàn toàn không có lời giải". Vấn đề không phải vì Vinacomin thiếu tiền để nhập khẩu, mà bởi vì nguồn nhập khẩu cũng rất khan hiếm...

Khai thác than hầm lò ngày càng khó khăn hơn.

Gỡ rối cách nào?

Nhập khẩu không phải là một lựa chọn tốt, giải pháp duy nhất còn lại là đầu tư khai thác trong nước và tính đến cách sử dụng than hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Vinacomin đang "kêu", Luật Khoáng sản mới làm khó họ. "Điều kiện để cấp giấy phép khai thác than theo Luật mới yêu cầu vốn chủ đầu tư phải ít nhất bằng 30% tổng mức đầu tư. Hiện chúng ta chủ yếu là khai thác hầm lò, suất đầu tư xấp xỉ 140 - 200 USD/tấn.

Để khai thác một mỏ mới khoảng 2 triệu tấn, tức là đầu tư phải 400 triệu USD và vốn chúng tôi phải có là 130 triệu USD, thì quả thật không biết lấy tiền đâu ra mà làm" - ông Vũ Mạnh Hùng cho biết. "Chúng tôi đang làm việc với Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công thương để giải quyết những vướng mắc. Nếu làm đúng Luật khoáng sản 2010 không biết có làm nổi không?".

Tiếp đó là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Vinacomin cho rằng do việc qui định giá các loại đất bồi thường không sát với giá thị trường, nên người dân không bao giờ đồng ý với giá qui định, phải đền bù theo giá thỏa thuận. Mà việc thỏa thuận diễn ra không hề dễ dàng. Chưa kể đến việc hiện các mỏ của Vinacomin đều đã phải khai thác xuống sâu từ 300m đến 1.500m, đòi hỏi trình độ kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, kiến nghị lớn nhất của Vinacomin hiện nay vẫn là cơ chế giá than...

"Mong muốn của chúng tôi khi chúng ta đã xác định các dự án về năng lượng là quan trọng, thì cấp Chính phủ phải xem xét 1 cách tổng thể. Đầu vào nếu tỷ trọng lớn là than thì vấn đề than giải quyết thế nào? Cơ chế chính sách phải có lộ trình nhất quán" - ông Vũ Mạnh Hùng bày tỏ. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo trong thời gian tới để đưa ra những kiến nghị "gỡ rối" cho ngành Than. 

"Chính sách ra kịp thời sẽ là rất tốt cho hoạt động an ninh năng lượng của doanh nghiệp. Lấy ví dụ các nhà máy xi măng bao giờ cũng có một lượng nhiệt thừa, nếu chính sách tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, công nghệ tốt, người ta sẽ có thể tái sử dụng lượng nhiệt thừa đó, biến thành điện, lượng điện đó đảm bảo được 20 - 25% lượng điện nhà máy sử dụng. Tập đoàn Than đang xem xét hướng đó để phục vụ cho nhu cầu sử dụng năng lượng. Và nếu các nhà máy xi măng đều biết tận dụng nguồn nhiệt thừa đó, thì sẽ tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng bỏ phí" - ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin.

Vũ Hân
.
.
.