Năm 2015, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ Tư, 31/12/2014, 08:13
Ngày 30/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2014. Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về các nội dung quan trọng như xây dựng pháp luật; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành một số chính sách mới.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần kiên định, nhất quán thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.

Thủ tướng cho biết, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19 để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Các bộ, ngành, địa phương phải coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trong tâm của năm 2015” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Chính phủ năm 2014; tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014; việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, năm 2014, công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế như vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản, nội dung trong một số văn bản có tính khả thi không cao, chưa sát thực tế.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, những văn bản đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ về các tác động xã hội của các dự thảo luật, pháp lệnh và khi đã được đưa vào chương trình, phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.

Đối với Dự án Luật Biểu tình, sau khi nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình Dự án Luật.

Mai Nhi
.
.
.