Mua xe ga "xịn", "khuyến mại" nỗi lo

Thứ Bảy, 25/08/2007, 09:19
Bỏ ra từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng để mua một chiếc xe máy tay ga nhập khẩu, nhưng người tiêu dùng đang phải gánh thiệt thòi như đi "đánh bạc" vì không hề có chế độ bảo hành chất lượng nào từ phía nhà sản xuất và nhà kinh doanh.

Cứ vào dịp này hằng năm kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán, thị trường xe máy lại trở nên sôi động. Mà sôi động nhất hiện nay là thị trường xe máy tay ga.

Đi xe tay ga nhập khẩu đang trở thành mốt ở các đô thị, đặc biệt là với chị em, dù giá của nó cao hơn từ 8-10 lần, tiêu hao nhiên liệu gấp 1,5 lần xe số nhưng vẫn hút khách.

Bỏ ra từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng để mua một chiếc xe máy tay ga nhập khẩu, nhưng người tiêu dùng hiện nay đang phải chịu thiệt thòi, giống như "canh bạc" khi không có chế độ bảo hành chất lượng nào từ phía nhà sản xuất và nhà kinh doanh.

Hiện nay, ngoại trừ dòng xe nhập khẩu là Piagio có hệ thống bảo hành và phân phối, giá bán ổn định, còn lại các loại xe tay ga nhập khẩu đều không có chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng và người mua gặp rất nhiều khó khăn khi phải thay thế linh kiện, phụ tùng.

Hơn nữa, đó là tình trạng giá cả thất thường, ngày trước và ngày sau có thể chênh nhau vài trăm đến vài ngàn đôla. Đó là chưa kể giá xe nhập khẩu luôn bị đẩy lên cao hơn giá trị thực (các loại xe Dylan, SH, Spacy trước thuế chỉ 2.000 đến 2.500 USD).

Trên thị trường hiện nay có hơn 40 loại xe tay ga đang được giao bán. Trong đó 50% là xe do các doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh với nước ngoài sản xuất, còn lại là xe tay ga nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Italia về.

Theo Quyết định 1378/2003/QĐ-BGTVT về việc ban hành quy định tạm thời kiểm tra chất lượng môtô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp môtô, xe gắn máy thì chất lượng xe tay ga được kiểm tra theo phương thức kiểm tra mẫu cho từng lô hàng nhập khẩu cùng kiểu loại.

Số lượng mẫu kiểm tra phụ thuộc vào số lượng hàng trong một lô, cụ thể nếu lô hàng có từ 1-100 chiếc sẽ kiểm tra 1 chiếc, từ 100-150 chiếc kiểm tra 2 chiếc và trên 500 chiếc kiểm tra 3 chiếc. Mẫu kiểm tra được lấy ngẫu nhiên và được chuyển tới cơ sở thử nghiệm.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì quy trình kiểm tra như trên là chặt chẽ, trong quá trình kiểm tra thực tế, đăng kiểm viên sẽ xem xét từng chiếc xe trong lô hàng có kiểu dáng, chủng loại, màu sắc, số động cơ, năm sản xuất có phù hợp với số hồ sơ đăng ký rồi mới cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận này chỉ là điều kiện để doanh nghiệp đưa xe qua cửa Hải quan. Còn sản phẩm đã được đưa ra thị trường thì việc kiểm tra chất lượng hàng hoá là của cơ quan quản lý thị trường.

Nhưng cơ quan này lại chưa từng kiểm tra chất lượng xe tay ga, mà chỉ phối hợp với một số hãng sản xuất xe máy trong nước kiểm tra về những vi phạm kiểu dáng, thương hiệu bị "nhái".

Điều này gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng khi một chiếc xe tay ga cao cấp có giá trên dưới 7.000USD, chỉ cần người bán tráo đổi một vài món đồ như bình điện, ắc quy, IC, bộ sạc, mâm lửa, bộ nồi… là đã bị mất vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Khi bị thay thế đồ rởm, xe chạy hay bị tắt máy, dễ làm hỏng hóc các linh kiện khác, tuổi thọ động cơ giảm, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Xe tay ga giờ không chỉ là phương tiện đi lại, nó còn là một thứ trang sức khẳng định đẳng cấp, tiềm năng kinh tế và phong cách. Nhưng trước thực trạng chất lượng xe tay ga đang bị thả nổi như hiện nay, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách mua xe ở địa chỉ có uy tín và chỉ mua xe khi đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.

Thiết nghĩ, để có những chiếc xe tay ga phù hợp về giá, đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Trần Hằng
.
.
.